Kích thước của nó chỉ vài phần mười milimet, nhưng đã là vượt trội hẳn so với các viên kim cương ngoài hành tinh khác – phần lớn có kích cỡ chỉ vài nanomet (1 nanomet bằng 1 phần triệu milimet).
Loại kim cương đặc biệt này không được hình thành từ lớp phủ sâu như kim cương ở Trái Đất mà ra đời trong một vụ "đối đầu" giữa 2 hành tinh, theo nghiên cứu dẫn đầu bởi Đại học Geothe (Đức), có sự phối hợp của nhiều nhà khoa học từ Ý, Mỹ, Nga, Ả Rập Saudi, Thụy Sĩ, Sudan.
Thiên thạch mang theo những viên kim cương này đã đáp xuống sa mạc Sahara, trên địa phận của Morocco và Sudan. Đó là loại thiên thạch hiếm được gọi là "ureilite". Nếu như đa phần thiên thạch là mảnh vỡ của các tiểu hành tinh, thì ureilite là mảnh vỡ của một hành tinh thực thụ.
Phân tích cho thấy kim cương đã hình thành dưới một áp suất xung kích cực lớn, khi một tiểu hành tinh khổng lồ, hoặc thậm chí là cả một hành tinh khác đâm sầm vào cơ thể "mẹ" của tảng ureilite. Tác động này thường gây ra sự hủy diệt hoàn toàn của hành tinh nhỏ hơn.
Các bằng chứng thể hiện trong lớp londsdalite, vốn đã được tìm thấy trong các viên kim cương nano ngoài hành tinh khác. Đó là một dạng thức biến đổi của kim cương chỉ xảy ra dưới áp suất rất cao và đột ngột. Các khoáng chất khác trong toàn bộ thiên thạch cũng đem đến nhiều dấu hiệu về áp suất sốc mà chúng từng chịu đựng.
Các nhà khoa học tin rằng các tảng ureilite phải có nguồn gốc từ chính Hệ Mặt Trời của chúng ta. Điều này có nghĩa vào buổi sơ khai, Hệ Mặt Trời là một thế giới nguy hiểm hơn tưởng tượng với nhiều vụ va chạm đáng sợ. Trước đó, có nhiều bằng chứng cho thấy Trái Đất sơ khai từng trải qua kiểu va chạm đó: hành tinh Theia cỡ Sao Hỏa đã đâm sầm vào, giải phóng một khối lượng mảnh vỡ khổng lồ vào quỹ đạo Trái Đất, tụ lại thành mặt trăng.