Theo báo cáo của Google, Temasek và Brain Company (2020), Việt Nam là một trong các quốc gia đang dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế số trong khu vực Đông Nam Á, trở thành thị trường đón nhận nguồn đầu tư đứng thứ 3 trong khu vực sau Singapore và Indonesia trong những năm gần đây.
Bên cạnh đó, Việt Nam là thị trường tiềm năng với cơ cấu dân số trẻ, am hiểu công nghệ, và tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng. Tính đến tháng 1/2022, có hơn 72 triệu người dùng Internet tại Việt Nam, chiếm 73% tổng dân số. Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, tốc độ tăng trưởng tầng lớp trung lưu ở Việt Nam thuộc hàng cao ở châu Á khi mỗi năm có thêm khoảng 1,4 triệu người gia nhập tầng lớp này.
Còn theo Việt Nam Fintech Report, trong vài năm gần đây, thị trường insurtech Việt đón thêm rất nhiều công ty trong và ngoài nước tham gia vào cuộc chơi này. Đặc biệt sau đại dịch COVID-19, người dân chuộng mua bảo hiểm trực tuyến và sử dụng các dịch vụ liên quan đến bảo hiểm trực tuyến hơn, điều này khiến thị trường insurtech càng hấp dẫn.
Tại Việt Nam, tiềm năng của thị trường bảo hiểm còn rất nhiều dư địa để phát triển. Cụ thể, tỉ lệ thâm nhập thấp, ở mức 2,3% - 2,8% kém xa tỉ lệ 9,6% ở các thị trường phát triển trong khu vực. Mặt khác, số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, đến tháng 5/2022, tổng doanh thu thị trường bảo hiểm đạt gần 94.280 tỉ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đạt 27.560 tỉ đồng, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, dự báo của SSI Research cho thấy mức tăng trưởng toàn ngành bảo hiểm năm 2022 có thể lên đến 18% nhờ sự tăng trưởng đột phá của bảo hiểm trực tuyến đến từ các công ty bảo hiểm công nghệ.
Khác với bảo hiểm truyền thống, thế mạnh của bảo hiểm công nghệ là giúp khách hàng tiếp cận bảo hiểm dễ dàng cùng nhiều lựa chọn được cá nhân hóa và trải nghiệm sử dụng tối ưu hơn. Đặc điểm này thích hợp với thế hệ trẻ Việt Nam năng động, muốn tiết kiệm thời gian, chú trọng tính cá nhân và ưa dùng điện thoại thông minh, máy tính bảng.
Lấy ví dụ như PasarPolis, nền tảng công nghệ cung cấp bảo hiểm hàng đầu Indonesia, hiện là đối tác phân phối các sản phẩm bảo hiểm của các ứng dụng lớn tại Việt Nam. PasarPolis cung cấp đa dạng các gói bảo hiểm từ xe cộ, thiết bị di động, đến trễ chuyến bay, và các gói bảo hiểm đáp ứng nhiều nhu cầu khác.
Đến từ đất nước của những kỳ lân công nghệ, PasarPolis được thành lập vào năm 2015 và liên tục nhận được đầu tư khủng từ các ông lớn công nghệ như Gojek, Tokopedia, Traveloka, Xiaomi, Leapfrog Investments, SBI Investment, Alpha JWC Ventures, Intudo Ventures, và Quỹ đầu tư IFC của Ngân hàng Thế giới. Năm 2019, PasarPolis mở rộng hoạt động sang thị trường Việt Nam và Thái Lan - hai nền kinh tế phát triển nhanh trong khu vực nhưng tỉ lệ thâm nhập thị trường bảo hiểm công nghệ còn thấp.
Tại thị trường Đông Nam Á, PasarPolis hợp tác với hơn 50 công ty bảo hiểm nhằm phân phối hơn 175 sản phẩm bảo hiểm trên 40 nền tảng ứng dụng. Công ty cung cấp các giải pháp bảo hiểm tích hợp cho hàng loạt ứng dụng tên tuổi như Gojek, Sendo, Shopee, Tiki, Atadi, DANA (Fintech). Hơn nữa, nhằm đa dạng hóa các giải pháp bảo hiểm, PasarPolis còn hợp tác với các hãng bảo hiểm lớn trên toàn cầu như Allianz , FWD, Chubb, và MSIG.
Tại thị trường Việt Nam, PasarPolis cung cấp các sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm sức khỏe cho tài xế của ứng dụng Gojek, bảo hiểm mua sản phẩm dành cho khách hàng Shopee, và bảo hiểm trễ chuyến bay cho khách hàng của Sendo và Atadi.
Mặt khác, một trong những rào cản lớn của việc mua bảo hiểm là gặp khó khăn về thủ tục bồi thường. Cùng với nền tảng công nghệ về dữ liệu lớn, PasarPolis có thể cải thiện đáng kể quá trình hỗ trợ khách hàng trong việc giải quyết bồi thường. Công ty cho biết, 80% yêu cầu bồi thường bảo hiểm của họ được xử lý trong 18 giây, và có đến 87% tổng số yêu cầu bảo hiểm nhận được tiền bồi thường chỉ trong 24 giờ.