Giấc mơ về những chiếc smartphone toàn màn hình, không viền đã xuất hiện trong nhiều năm. Khái niệm này xuất hiện khoảng bảy năm trước, vào năm 2014, khởi đầu bởi Sharp Aquos Crystal.
Vào thời điểm này, HTC đã có HTC One (M8); Sony tập trung vào camera có độ phân giải cao (Xperia Z2); Samsung nỗ lực đứng đầu thị trường với Galaxy S5 trong khi Apple đang chuyển đổi sang một kiểu dáng lớn hơn trong thời kỳ hậu Steve Jobs (iPhone 6 và iPhone 6 Plus).
Sharp Aquos Crystal.
Ở thời điểm này, công ty Nhật Bản đã quyết định thử nghiệm thiết kế “không viền” cho smartphone, chuyển toàn bộ thành phần từ viền trên màn hình xuống viền dưới, mang lại vẻ ngoài khác biệt cho Aquos Crystal.
Phát súng đầu tiên
Vào năm 2017, Apple đã thả quả bom tiếp theo - iPhone X với “tai thỏ” huyền thoại (phong cách này thậm chí vẫn được iPhone 12 duy trì và thậm chí iPhone 13 vẫn chưa thể loại bỏ chúng).
Các nhà sản xuất sử dụng mọi phương pháp để tiến đến smartphone toàn màn hình.
Sau đó, thị trường nhanh chóng bị tấn công bởi:
● “Tai thỏ” giống iPhone X
● Camera selfie hình “giọt nước” - vẫn xuất hiện trên một số smartphone Android giá rẻ hơn
● Camera “đục lỗ” phổ biến
Nhưng dù ít hay nhiều, tất cả các giải pháp này đều ảnh hưởng đến trải nghiệm xem màn hình. Dưới đây là những thiết bị đóng vai trò quan trọng nhất trên con đường loại bỏ phần “tai thỏ” và xem tại sao chúng không thành công.
Xiaomi Mi Mix 2
Xiaomi Mi Mix 2.
Xiaomi khi đó là một thương hiệu mới nổi (hiện là nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu thế giới), đã sao chép thiết kế của Sharp cho Mi Mix 2. Phần viền trên điện thoại này nhỏ hơn đáng kể so với Aquos Crystal. Không lâu sau đó, Xiaomi đã tung ra Mi Mix 2s với phần viền nhỏ hơn một chút.
Honor Magic 2 và Xiaomi Mi Mix 3
Honor Magic 2.
Huawei Honor và Xiaomi đã quyết định sử dụng các bộ phận chuyển động và giấu camera dưới một cơ chế trượt rất tinh vi. Tất nhiên, giải pháp này đi kèm với hai thiếu sót đáng kể: không có khả năng chống nước và độ bền kém theo thời gian. Bù lại, Honor Magic 2 và Xiaomi Mi Mix 3 có thiết kế tuyệt đẹp.
Oppo Find X, Vivo Nex A, Galaxy A80, Asus Zenfone 6, OnePlus 7 Pro
OnePlus 7 Pro (phải) với thiết kế toàn màn hình nhờ camera selfie bật lên.
Camera bật lên... thu hút nhiều nhà sản xuất nhất. Trong khi Samsung không đưa phương pháp này lên dòng flagship của mình thì Asus, Vivo, Oppo đều áp dụng. Vào năm 2021, chỉ có một trong số các công ty nêu trên áp dụng giải pháp này - Asus với Zenfone 7 Pro.
ZTE Axon 20 5G: Cuộc đua camera dưới màn hình smartphoen bắt đầu
Chiếc smartphone đầu tiên giấu camera selfie dưới màn hình đầu tiên là ZTE Axon 20 5G vào tháng 9/2020. Ảnh từ camera này trông khá mờ và mặc dù ở dưới màn hình nhưng không hề được "ẩn". Trên hết, hình dạng camera là một hình vuông. Nhưng Axon 20 5G đã minh chứng một điều: việc sản xuất và bán một chiếc điện thoại có camera dưới màn hình là khả thi.
Xiaomi Mix 4, ZTE Axon 30 5G và Galaxy Z Fold 3
ZTE Axon 30 5G
Không giống như Axon 20 5G đầu tiên, camera dưới màn hình của Axon 30 5G rất khó nhìn thấy. Camera UD 16MP và khu vực màn hình có các pixel được sắp xếp lại với độ trong suốt cao hơn. ZTE đã tăng gấp đôi số điểm ảnh của vùng màn hình phía trên camera lên 400ppi so với 200ppi của Axon 20.
ZTE Axon 20 và ZTE Axon 30.
Trên hết, màn hình có cấu trúc 7 lớp bao gồm vật liệu truyền dẫn cao hơn, chip màn hình UDC Pro mới và sắp xếp mạch ACE. Điều này cho phép camera thu thập nhiều ánh sáng hơn và cải thiện chất lượng hình ảnh với quy trình gộp 4 pixel vào 1 pixel, tương đương 2,24um.
Xiaomi Mi Mix 4
Xiaomi Mi Mix 4.
Nhìn chung, cách ẩn camera của Xiaomi Mi Mix 4 đều rất giống cách tiếp cận của ZTE với Axon 30 5G. Trên tất cả, Mi Mix 4 là một chiếc flagship thực sự. Camera dưới màn hình trên Xiaomi Mi Mix 4 về cơ bản hoàn toàn bị ẩn dù chất lượng ảnh chưa thật sự xuất sắc.
Galaxy Z Fold 3
Hình ảnh của Galaxy Z Fold 3 có chất lượng thấp, camera selfie vẫn dễ nhìn thấy.
Galaxy Z Fold 3 mới ra mắt của Samsung đang là tâm điểm chú ý lớn nhất về chiếc smartphone có camera ẩn dưới màn hình. Dễ thấy, camera dưới màn hình 4MP của Samsung không ẩn được như trên Xiaomi Mi Mix 4 hoặc ZTE Axon 30 5G. Về cơ bản chúng vẫn xuất hiện rõ ràng với mọi nền và ngay cả khi màn hình tắt. Thêm nữa, ảnh chụp từ camera này có chất lượng thấp. Tuy nhiên, thiết kế này ít gây mất tập trung hơn nhiều so với giải pháp “đục lỗ” trước đó trên Galaxy Z Fold 2.
Kết luận
Hiện tại, có thể nói, những smartphone có camera dưới màn hình quy tụ 3 điểm chung:
1. Có các phân khúc giá khác nhau, từ 500 - 1.799 USD (từ 11,4 - 41 triệu đồng).
2. Công nghệ này có thể đạt được ở nhiều cấp độ và… dành cho tất cả mọi người.
Camera ẩn dưới màn hình giải quyết vấn đề của camera selfie.
3. Chất lượng hình ảnh và video chưa thực sự chất lượng.
Nhưng tin tốt ở đây là các công ty như Apple và Google với Pixel 6 và chip Tensor đã tìm ra cách xử lý video nhanh chóng. Do đó, "vấn đề chỉ là thời gian" và người dùng cần kiên nhẫn chờ đợi để các nhà sản xuất nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện công nghệ trong tương lai.