Trong thực tế, chiếc máy tính được sử dụng với rất nhiều mục đích từ làm việc cho tới giải trí, chơi game... kéo theo đó chiếc màn hình cũng phải đáp ứng được nhu cầu này. Đơn giản bởi không phải ai cũng chỉ đắm chìm trong thế giới ảo mà thôi, họ còn phải làm những thứ khác để kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình hay phục vụ các nhu cầu khác như xem phim, bóng đá.
Nếu như nhu cầu chơi game là chủ đạo thì việc lựa chọn là tương đối đơn giản khi các đối tượng được thu hẹp lại với các loại gaming monitor sở hữu cấu hình sừng sỏ: tần số quét 144Hz đổ lên, thời gian đáp ứng 1ms... Nhưng nếu bạn cần tới một chiếc màn hình đa dụng hơn, vừa có thể chỉnh sửa ảnh, dựng video chuẩn màu, xem phim ngon, làm excel thoải mái không cần kéo ngang nhiều lại cũng có thể đáp ứng được các trận PES với bạn bè hay một vài ván PUBG giải trí thì quả thực là tương đối phức tạp!
Gần đây, LG đã giới thiệu 2 mẫu màn hình 'song sinh' kích thước siêu rộng là 29WK500 và 29WK600 với tính đa dụng cao, phù hợp với nhiều nhu cầu sử dụng, bao gồm cả làm việc, giải trí cơ bản lẫn chiến game khi rảnh rỗi. Và sau đây là những hình ảnh cận cảnh bộ đôi này cũng như những đánh giá khi sử dụng.
Thiết kế
Về tổng thể thì hình dạng bên ngoài của 29WK500 và 29WK600 gần như là giống hệt nhau, vì thế tôi xin đưa ra đánh giá chung về thiết kế của cả 2 mẫu sản phẩm này luôn.
Bộ đôi màn hình siêu rộng này có thiết kế 'tràn viền' thời thượng, mang đậm tính thời trang thanh thoát và đang là 'mốt' hiện nay. Các góc cạnh đường nét vuông vức đơn giản mà lịch thiệp, không có chi tiết nào thừa thãi hầm hố cả. Viền màn hình khá mỏng nhưng phía sau vẫn có 4 lỗ ốc để gắn lên tường hoặc thay chân khác, đây là chi tiết tương đối quan trọng với nhiều người, thể hiện rõ sự 'đa dụng' của sản phẩm.
Cặp đôi 29WK500 và 29WK600 có thiết kế tràn viền thời thượng.
Cạnh bên khá mỏng với bo vuông chắc chắn, đơn giản.
Mặt sau đơn giản.
Để có thiết kế mỏng manh bắt mắt này thì LG đã đưa bộ nguồn (adapter) ra ngoài, tuy có hơi loằng ngoằng đôi chút trong việc giấu dây, nhưng mà cũng không phải là điều gì đáng nói cho lắm.
Cần chú ý là 29WK500 và 29WK600 có khác nhau đôi chút về cổng kết nối bố trí phía sau:
29WK500 chỉ có 2 cổng HDMI, kèm theo headphone out và nguồn.
Trong khi đó 29WK600 có thêm một cổng DP phía trên nữa.
Nút bấm tùy chỉnh menu 'điều hướng' đặc trưng rất tiện lợi của LG, từng xuất hiện trên nhiều mẫu màn hình của hãng này trước đây.
Chân đế của 29WK500 và 29WK600 có thiết kế hình vòng cung khá thanh mảnh, mặt trên bằng nhựa nhưng phía dưới có khung kim loại cứng cáp và rất nặng, đem lại sự chắc chắn cho màn hình. Khi đặt lên bàn đứng rất vững không hề bị rung rinh chút nào. Tất nhiên điểm yếu cố hữu của loại chân đơn giản này là độ linh hoạt không cao, chúng ta chỉ có thể ngửa ra hoặc cúi xuống mà thôi chứ không thể nâng cao hay xoay được, đó là một phần lý do mà 4 lỗ ốc phía sau rất quan trọng với một số người dùng.
Chân đế rất chắc chắn.
Rõ ràng, thiết kế của 29WK500 và 29WK600 rất hợp lý, cả về tính năng lẫn yếu tố thời trang, phù hợp với các sản phẩm màn hình tầm trung hiện nay trên thị trường.
Thông số kỹ thuật
Thông số kỹ thuật cơ bản của 29WK500 và 29WK600 hoàn toàn giống nhau khi cùng dùng tấm nền IPS có độ phân giải 2560 x 1080 (full HD 21:9), độ sâu màu 8bits (6bit+FRC), tần số quét 60Hz, tốc độ phản ứng 5ms, độ sáng 300 cd/m2, độ tương phản 1000:1. Đi kèm với đó là một loạt công nghệ chống lóa chống mỏi mặt, profile thiết lập sẵn cho việc sử dụng bình thường, chiến game...
29WK600 là phiên bản cao cấp hơn nên được trang bị thêm một số tính năng khá ngon lành là FreeSync - đồng bộ khung hình với VGA AMD và khả năng hiển thị HDR cho chiều sâu màu tốt hơn.
Khả năng sử dụng thực tế
Với thông số kỹ thuật gần như tương đương, 29WK500 và 29WK600 đem đến khả năng hiển thị tất nhiên là cũng tương đồng! Bộ đôi màn hình này có không gian sử dụng rất 'đã', đơn giản bởi nó rộng, hơn nhiều so với chuẩn full HD thông thường là 1920 x 1080. Chính vì vậy bạn có thể chia đôi để dùng 2 tác vụ một lúc ngon lành, hay những ai thường phải làm việc với bảng tính excel nhiều cột thì quá đã, cũng không thể bỏ qua dân coder phải chạy nhiều máy ảo test phần mềm...
Tấm nền IPS vốn quá nổi tiếng cả về khả năng hiển thị màu sắc tốt, góc nhìn rộng đem đến khả năng đáp ứng tốt nhu cầu của các designer bán chuyên, dùng để chỉnh ảnh, dựng video khá ổn. Tất nhiên một số lỗi hở sáng đặc trưng cũng vẫn gặp, nhưng thực tế thì chẳng ảnh hưởng lắm tới trải nghiệm thông thường.
Đá PES trên màn hình 29WK500.
Về trải nghiệm game trên 29WK500 và 29WK600, phải nói là rất ấn tượng, các chi tiết trong thế giới ảo đều được hiển thị sắc nét, màu sắc sống động. Chơi các game phổ thông như DOTA 2, Liên Minh Huyền Thoại, đá PES đều ngon lành. Tỉ lệ 21:9 đem đến góc nhìn rất rộng nên chơi đá bóng và các game dạng phiêu lưu nhập vai, MOBA rất thích.
Điều đáng ngại nhất của 2 mẫu sản phẩm này chính là các game hành động nhịp độ cao, bắn súng như CS:GO hay PUBG. Đơn giản bởi cấu hình hiển thị của chúng không có tần số quét cao 144Hz và tốc độ phản ứng thì quá chậm chỉ 5ms.
Tuy nhiên, trong thực tế sử dụng thì điều này lại không phải là vấn đề quá lớn, 29WK500 và 29WK600 vẫn cho khả năng hiển thị rất tốt trong các game bắn súng bởi nó nét và màu sắc đẹp, góc nhìn lại rộng. Thử nghiệm qua với tựa game PUBG thì mọi thứ đều đẹp, nuột nà, bóng hình không xuất hiện mấy, các pha lia chuột hay bắn súng vẫn ngon lành. Nhìn chung là đủ để đáp ứng nhu cầu của game thủ phổ thông, nếu muốn 'go pro' các game này thì rõ ràng bạn nên chọn màn hình khác có tần số quét 144Hz và tốc độ phàn ứng 1ms rồi!
Chơi PUBG trên màn hình 29WK600.
Ngoài ra, game thủ cũng sẽ thấy rõ rằng 29WK600 vượt trội hơn so với 29WK500 đôi chút trong game bắn súng, đặc biệt là các game thay đổi môi trường liên tục như PUBG, CS:GO vì phải đi từ trong nhà ra ngoài trời, độ sáng thay đổi liên tục. Tính năng HDR sẽ giúp cho hình ảnh 'sâu màu' hơn, qua đó nhìn rõ các vật thể ngoài sáng trong tối hơn khá nhiều, đem lại một chút lợi thế!
Tổng kết
Nhìn chung, bộ đôi 29WK500 và 29WK600 tỏ ra rất thích hợp với các game thủ bán chuyên, đang đi làm và muốn sở hữu một chiếc màn hình đa dụng cho cả đam mê chinh chiến trong thế giới ảo, giải trí thông thường lẫn làm việc trên máy tính. Cả hai sản phẩm đều có thiết kế cùng chất lượng hiển thị tốt, tuy rằng vẫn còn một số điểm yếu khi hơi thiếu linh hoạt và không đủ 'nhanh' trong game hành động.
Hiện tại, LG 29WK500 có giá khoảng 6,1 triệu đồng và LG 29WK600 đắt hơn một chút, khoảng 6,9 triệu đồng, thuộc phân khúc trung - cao cấp cho game thủ lựa chọn.