Virus corona hay rộng ra là dịch bệnh Covid-19 nói chung đã và đang khiến cả thế giới phải lo ngại trước sự phát tán và lây nhiễm nhanh chóng không thể lường trước, với nhiều trường hợp không kịp trở tay khiến chính quyền phải toát mồ hôi hột. Bên cạnh công tác cách ly và chữa trị cho bệnh nhân, các khâu phòng tránh bệnh cũng trở nên quan trọng không kém bởi đó là phương cách hiệu quả nhất để bảo vệ mọi người và ngăn chặn dịch bệnh ngay từ trong trứng nước, đặc biệt là khi virus có thể lây nhiễm qua đường không khí ở cự ly gần, thông qua những lần ho hoặc hắt xì của người bệnh.
Vì vậy, không khó hiểu khi thắc mắc về việc sử dụng những chiếc máy lọc không khí hiện đại ngày nay để bảo vệ mình đã kịp xuất hiện liên quan đến những suy nghĩ đối phó với virus lan truyền - nhưng rất tiếc, câu trả lời đến nay vẫn đang là một mớ bòng bong rất phức tạp, bởi chưa có một kết luận chính thức nào về công dụng của cách thức này được đưa ra.
Máy lọc không khí liệu có thể gây được tiếng vang trong cuộc chiến chống lại virus corona?
Nguyên lý và cơ sở khoa học của máy lọc không khí
Máy lọc không khí được chế tạo và sản xuất với mục đích chính để cải thiện tình trạng không khí xung quanh và tăng cường chất lượng sức khỏe hô hấp của con người. Thông thường, công nghệ tấm lọc HEPA là loại phổ biến nhất được áp dụng cho các máy lọc hiện nay, nhưng chúng đã được đánh giá không có tác dụng với thực tế ở kích cỡ nhỏ như virus. Đối với loại tấm lọc PECO tinh xảo hơn, kết quả dự tính cũng không quá khả quan khi vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế và còn phụ thuộc vào tính chất của từng loại vi khuẩn, virus có mặt trong môi trường.
Do vậy, máy lọc không khí vẫn chỉ được gán với công dụng tốt nhất về việc khử mùi và tăng độ trong lành khí thở, hoặc đối phó với tình trạng dị ứng động vật ở một số người nhờ khả năng lọc sạch các hạt bụi bẩn hoặc thực thể có hại mà mắt thường không thể nhận biết. Tuy nhiên, công nghệ máy lọc hiện giờ hầu hết chỉ cho phép bắt dính những vật thể có kích cỡ 0,3 micromet hoặc lớn hơn, đôi khi có một số máy cao cấp hơn sẽ nâng mức độ lên 0,1 micromet là cực đại. Đây là kích cỡ chung của những vi khuẩn và bụi bẩn thông thường có thể gây hại cho đường thở về lâu về dài.
Tuy nhiên, nói tới virus lại không đơn giản như vậy. Chúng có kích thước nhỏ hơn vi khuẩn khoảng 100 lần, nằm trong ngưỡng 0,004 tới 0,1 micromet. Do đó, gần như mọi hệ thống lọc phổ biến trên thị trường đều không có khả năng gây khó dễ cho virus. Theo tiến sỹ Mariea Snell từ Đại học Maryville (Mỹ), chủng virus corona từ dịch Covid-19 có kích cỡ trung bình 0,125 micromet - dù gần giới hạn lý thuyết khả thi nhưng vẫn là một ẩn số vô cùng phức tạp để chắc chắn phát hiện và tiêu diệt nhờ máy lọc không khí.
Với mức giá rẻ tầm 4 triệu như chiếc máy lọc không khí Xiaomi, rất khó để có thể tin tưởng virus có thể được thanh tẩy.
Michael Rubino, Chủ tịch All American Restoration chuyên về công nghệ khử trùng môi trường cho biết thêm: "Đúng là có những công nghệ lọc khí hiện nay đã diệt được virus như H1N1 và SARS, nhưng chúng không đơn thuần là các hệ thống lọc HEPA phổ biến thường thấy, mà đòi hỏi công nghệ tinh vi với khả năng phát tán ion diệt khuẩn để tìm và khử sạch các mối nguy hiểm gây bệnh." Thế nhưng, mọi thứ chỉ đang ở giai đoạn lý thuyết và chưa có gì chắc chắn về ứng dụng đối phó với virus corona.
Ngoài ra, virus corona còn "cứng đầu" hơn tưởng tượng khi không chỉ phát tán qua các hạt nước bọt từ người bệnh lơ lửng trong không khí, mà chúng còn có thể bám dính lên bề mặt vật thể xung quanh chúng ta và ở lì tại đó một thời gian. Khi đó, người thường hoàn toàn có thể chạm tay vào khi virus còn sống và bị lây nhiễm qua các đường tiếp xúc khác, khiến cho sự hiện diện của máy lọc không khí càng trở nên vô dụng và không thể bao quát 100% tình hình.
Những tia hy vọng mới le lói
Jaya Rao - CEO của Molekule, một trong những thương hiệu làm máy lọc không khí cao cấp nhất thế giới - cho biết công ty mình đang thử nghiệm những bước tiến mới nhất để thắp lên hy vọng đối phó với dịch bệnh này. Cô nhận thấy dư luận đang thực sự trở nên lo lắng và hoảng sợ trước sự phát tán của virus, và lấy đó làm nguồn động lực để gấp rút triển khai nghiên cứu sản phẩm mới. Hiện Molekule đang hợp tác cùng Đại học Minnesota để cải tiến các cách thức đối phó diệt khuẩn mới, ứng dụng vào trong công nghệ máy lọc của mình.
Jaya Rao và những mẫu sản phẩm của Molekule.
"Virus corona có cấu trúc không quá phức tạp để chúng tôi tìm ra cách phá vỡ và tiêu diệt. Cách nhanh nhất là liên tục kiểm nghiệm ở nhiều trường hợp mô phỏng đối phó lại virus này để có thể kết luận và đem ra áp dụng thực tế sau cùng," trích lời Rao.
Với những sản phẩm lọc không khí có mức giá lên tới tận 799 USD (hơn 18 triệu đồng) trên thị trường hiện tại, Molekule cũng khá tự tin trên kế hoạch của mình. Dự kiến những kết luận chính thức về tiến trình thử nghiệm diệt virus corona nhờ công nghệ lọc khí sẽ được họ đưa ra trong khoảng 6 tuần nữa. Đây thực sự là một cuộc chạy đua với thời gian, bởi ngày ngày số ca nhiễm bệnh vẫn liên tục tăng lên mà chưa có dấu hiệu khả quan giảm thiểu nào khác.
Tổng hợp: Bloomberg, Digital Trends