Động thái này của Apple dựa trên giả định cho rằng, những người mua iPhone mới đều đã có tai nghe và củ sạc cho riêng mình và việc tặng kèm trở nên không cần thiết. Theo công ty, điều này để nhằm bảo vệ môi trường, giảm lượng rác thải điện tử cũng như giảm hoạt động khai mỏ vốn gây nhiều ô nhiễm và các vấn đề quyền con người.
Hơn nữa, điều này còn giúp giảm kích thước hộp iPhone, tăng lượng hàng vận chuyển trên mỗi hành trình và kéo theo giảm số chuyến giao hàng, để từ đó giảm lượng carbon phát thải do hoạt động vận tải. Lập luận loại bỏ phụ kiện tặng kèm của Apple không chỉ áp dụng đối với iPhone 12 mà còn cả với các iPhone đời cũ như iPhone XR, dòng iPhone 11 và iPhone SE 2020.
Chuyển trách nhiệm gây ô nhiễm từ Apple sang các công ty khác
Trong khi đó, Apple vẫn tặng kèm dây sạc cho người dùng trong hộp đựng các dòng iPhone này. Thế nhưng vấn đề nằm ở chỗ, dây sạc mà Apple tặng người dùng lại dùng cổng USB-C to Lightning, không tương thích với các củ sạc được Apple tặng kèm trước đây, vốn dùng cổng USB-A. Không chỉ riêng Apple, các củ sạc dùng cổng USB-A cũng rất phổ biến đối với hầu hết các thương hiệu smartphone khác.
Điều này cũng có nghĩa rằng hầu hết người mua iPhone mới, không chỉ dòng iPhone 12 mà cả các dòng iPhone trước đó như iPhone XR, iPhone 11 và iPhone SE 2020, sẽ phải tìm mua thêm một củ sạc cổng USB-C phù hợp với loại cáp sạc mới được Apple tặng kèm. Họ có thể mua nó từ chính Apple hoặc cũng có thể tìm đến các nhà sản xuất phụ kiện khác – điều này sẽ là một vận may lớn với nhà sản xuất phụ kiện nào đang bán các củ sạc USB-C này.
Vấn đề nằm ở chỗ, việc mua lẻ các củ sạc này có nghĩa là sẽ phát thải thêm rác thải từ bao bì và ô nhiễm do hoạt động vận chuyển mang lại. Nếu người dùng mua các phụ kiện này từ Apple, công ty đang trực tiếp làm ô nhiễm tăng thêm. Còn nếu người dùng mua củ sạc này từ các nhà sản xuất phụ kiện khác, mức độ phát thải ô nhiễm sẽ lại đến từ các công ty đó, thay vì Apple.
Tổng lượng phát thải ô nhiễm có thể chẳng giảm mấy, nhưng trách nhiệm gây phát thải lại chuyển bớt từ Apple sang các công ty khác. Tất cả chỉ vì Apple tặng kèm người dùng một loại cáp sạc không tương thích với các củ sạc đời cũ.
Bên cạnh đó, việc thu nhỏ hộp đựng để tăng số hộp vận chuyển đặt trên mỗi pallet không có nghĩa sẽ giảm được số lượt vận tải và giảm ô nhiễm. Kích thước hộp nhỏ hơn, nhưng không chắc nó sẽ lấp đầy mỗi kệ pallet để có thể chuyên chở được nhiều hơn. Điều này phụ thuộc vào khả năng tiêu thụ của nhà bán lẻ, hơn là kích thước của hộp đựng sản phẩm.
Kích thước hộp đựng nhỏ hơn cũng không đồng nghĩa với việc vận chuyển ít ô nhiễm hơn
Không nhiều lợi ích cho môi trường, nhưng lại nhiều lợi ích cho Apple
Việc trang bị 5G cho toàn bộ dòng iPhone 12 mới của Apple làm chi phí sản xuất của nó trở nên đắt đỏ đáng kể hơn so với dòng iPhone 11. Theo Angelo Zino, nhà phân tích cấp cao của hãng nghiên cứu CFRA Research, cho rằng, chi phí linh kiện của iPhone 12 đắt hơn từ 30% đến 35% so với các thế hệ iPhone trước đây. Do vậy, chắc chắn họ sẽ phải tìm cách cắt giảm chi phí ở những khâu khác của điện thoại.
Loại bỏ củ sạc và tai nghe tặng kèm trong hộp đựng là một cách để làm vậy – nhờ vậy, công ty có thể tăng lợi nhuận trên mỗi chiếc iPhone 12 lên thêm 1%, theo ước tính của Gene Munster, đối tác quản lý tại hãng đầu tư Loup Ventures. Còn nếu loại bỏ phụ kiện trên các dòng iPhone cũ, mức lợi nhuận trên mỗi thiết bị sẽ còn cao hơn nữa.
Và tất nhiên không thể không kể đến phần doanh thu tăng thêm từ việc người dùng bỏ tiền ra mua các phụ kiện thay thế cho những thứ mà Apple đã loại bỏ: ví dụ như củ sạc USB-C hay tai nghe không dây AirPods.
Có thể bạn muốn xem thêm : iPhone 12 không bán kèm tai nghe và củ sạc để “bảo vệ môi trường”
Ước tính của ông Munster cho biết, nếu doanh số iPhone mới của Apple tương đương với năm 2018 – khoảng 217 triệu thiết bị – và chỉ cần 5% trong số đó quyết định mua thêm cho mình một cặp tai nghe AirPods mới, Apple sẽ bỏ túi thêm khoảng 700 triệu USD vào lợi nhuận gộp của mình.
Apple có thể làm nhiều hơn thế
Rõ ràng với những người hoài nghi, động thái của Apple khó có thể xem như một hành động vì môi trường. Scott Cassel, CEO của Học viện Quản lý Sản phẩm, cho biết trong email gửi tới trang The Verge: “Bán iPhone 12 không củ sạc / dây tai nghe có thể làm chúng ta quên đi một câu hỏi lớn: Tại sao Apple và các công ty điện tử khác không chịu trách nhiệm lớn hơn cho việc tái sử dụng và tái chế các sản phẩm của họ, khi phần lớn trong số chúng vẫn đang được mua đi bán lại tại Mỹ và trên toàn cầu?”
Cassel cho rằng, công ty sẽ mang lại nhiều lợi ích cho môi trường hơn nếu làm các sản phẩm dễ sửa chữa hơn, để chúng không trở thành “lỗi thời và vô dụng sau một vài năm”. Tai nghe không dây AirPods là một ví dụ điển hình. Chúng có tuổi thọ ngắn hơn các tai nghe truyền thống bởi vì gần như không thể thay được pin bên trong của nó.
Rõ ràng, nếu việc loại bỏ phụ kiện tặng kèm cho người dùng mua iPhone mới mang lại lợi ích nào đó cho môi trường, nó thực sự rất nhỏ so với những gì mọi người tưởng tượng, cũng như so với những gì Apple có thể làm được. Nhưng nó lại giúp mang lại nhiều lợi ích hơn cho Apple.