DareU DK880 RGB
Gần đây hãng gaming gear giá rẻ DareU đã giới thiệu chiếc bàn phím cơ mới mang tên DK880 RGB khá thú vị với hệ thống LED RGB 16,8 triệu màu với khả năng biến ảo khôn lường.
DareU DK880 có bộ khung quen thuộc với layout tenkeyless tiêu chuẩn với 87 nút (loại bỏ phần phím số), khá tiện lợi cho game thủ mang đi mang lại. Lớp vỏ nhựa mặt trên đen nhám còn viền xung quanh được đánh bóng.
Thiết kế của DareU DK880 khá truyền thống với 3 lớp chính gồm đáy, plate và mặt, nút được 'chìm' bên trong chứ không 'nổi' lên trên bề mặt như nhiều loại bàn phím cơ giá rẻ khác. Điều này giúp cho bộ đèn LED RGB không bị 'tràn' ánh sáng ra rìa, tạo ra cảm giác thanh lịch hơn chứ không quá hào nhoáng.
Dareu DK880 được trang bị switch "D" do chính DareU sản xuất, về cơ bản thì cũng là bản clone của switch cherry quen thuộc nhưng cũng được cải biên đi khác đôi chút. Chất lượng của các nút này tương đối tốt, bấm khá trơn tru mượt mà. Ngoài ra để phục vụ việc chiếu sáng bằng đèn LED thì topcover đều làm bằng nhựa trong. Kết hợp với plate màu trắng thì ánh sáng RGB 16,8 triệu màu được 'hắt' lên mắt người dùng tốt, trông khá đẹp.
Điểm mạnh của chiếc bàn phím này chính là hệ thống đèn LED RGB chuyển màu rất mượt, tươi sáng với nhiều hiệu ứng thú vị. Quả thực là trong số các dòng bàn phím giá rẻ có khả năng đổi màu lập loè thì DareU DK880 RGB có hiệu ứng cũng như khả năng chuyển đổi rất tốt!
Eblue K749
Eblue K749 mang layout tiêu chuẩn 104 phím, nhưng kích thước khá là to lớn bởi nhiều phần trang trí cũng như kê tay 'thòi' ra ngoài. Ngay từ lúc mở hộp đã dễ dàng nhận ra chất 'gaming' của chiếc bàn phím này rồi, khỏi cần phải giới thiệu nhiều!
Eblue K749 có lớp vỏ trên bằng kim loại vân xước, kiêm luôn nhiệm vụ là plate cố định switch, do đó toàn bộ nút đều 'nổi' trên mặt phím. Đây là thiết kế tương đối phổ biến thời gian gần đây trên các loại bàn phím cơ nói chung và bàn phím gaming nói riêng.
Switch JWH trên Eblue K749 là một phiên bản clone lại tượng đài Cherry nổi tiếng, cho cảm giác gõ khá giống với blue switch gốc. Tất nhiên lực ấn và độ nảy khó mà có thể bắt kịp được với tượng đài đến từ nước Đức, song về cơ bản là không thua kém quá nhiều. Cảm giác nhấn của loại switch JWH này tương đối ổn, trơn và kêu tanh tách, phản hồi tới ngón tay cũng khá ngon.
Điểm đặc sắc nhất của Eblue K749 phải kể đến trải nghiệm gõ phím tương đối ổn, bộ switch JWH của chiếc bàn phím này có lực ấn tương đối cân, cộng thêm độ trơn, nảy, phản hồi tốt (đã nói ở trên) và cả kết cấu vững chắc của bàn phím thì dĩ nhiên là sử dụng không tạo ra sự thất vọng. Tuy nhiên sản phẩm tồn tại một điểm trừ khá lớn là nút cách hơi lọc xọc, tương đối khó chịu khi sử dụng để gõ văn bản. Còn chơi game thì không ảnh hưởng quá nhiều, trừ khi bạn chọn các trò toàn dùng nút dài này!
Fuhlen G87s
Hồi đầu năm 2018 này thì Fuhlen đã giới thiệu sản phẩm G87s tại thị trường Việt Nam và đem tới sự lựa chọn hết sức hoàn hảo cho các game thủ yêu thích sự gọn gàng hay thường xuyên phải di chuyển, cần sở hữu một chiếc bàn phím cơ vừa ngon vừa nhỏ.
Sức mạnh của Fuhlen G87S chính là 87 nút bấm được trang bị switch Cherry MX của Đức (hiện tại đang có Blue switch và Red switch) cùng hệ thống cố định hành trình phím cho các phím dài (stabilizer) Cherry hoàn toàn mới. Các switch và hệ thống stabilizer hoạt động rất hiệu quả và được lube cực tốt, kết hợp với plate kim loại rất vững chắc cho cảm giác gõ rất tuyệt vời, các phím dài bottom out (chạm đáy) rất tốt.
Sự kết hợp giữa build rất chắc chắn từ vỏ cho tới plate và switch cherry cao cấp cùng bộ keycap PBT dày dặn, G87s đem đến trải nghiệm sử dụng khó mà chê được ở điểm nào. Đơn giản là việc gõ rất sướng tay mà không hề bị rung lắc chút nào, các phím dài xuống khá mượt mà cân bằng, không hề thua kém một số thương hiệu lớn trên thị trường. Kết hợp với đó là đèn LED xanh lá sáng đẹp, giúp ích khá nhiều trong việc sử dụng buổi tối, không tiện bật đèn phòng sáng hẳn lên.
IKBC CD87
IKBC CD87 đi theo hướng truyền thống, nhìn khá cổ điển chứ không mang nhiều nét phá cách như các loại bàn phím cơ gaming của hãng khác. Phím có 87 nút, với layout tiêu chuẩn TKL ANSI dễ dùng và dễ làm quen, đặc biệt lợi hại cho anh em thích mang phím theo mình và dân FPS không cần tới dãy phím number phụ.
Chất lượng build của IKBC CD87 thừa hưởng chất lượng từ những phiên bản trước: lớp vỏ đen nhám dày dặn chắc chắn cầm rất đầm tay và tạo ra độ vững chắc của bàn phím. Thiết kế nhìn có phần hơi cổ lỗ và nặng nề này thực tế lại tạo ra cảm giác sử dụng hoàn hảo nhất, không bị vướng víu vào cái gì, gõ lại không bị rung rất thích tay.
Theo truyền thống của hãng thì keycap của IKBC CD87 vẫn được làm bằng nhựa PBT siêu dày, bền bỉ, sờ vào biết ngay. Ký tự in trên phím chẳng bao giờ sợ mờ đi, tuy nhiên phông chữ đơn giản và chưa thực sự bắt mắt. Tất nhiên game thủ có thể bỏ tiền để mua bộ keycap khác thay vào cho đẹp hơn khi đã nhàm chán.
Toàn bộ các switch trên bàn phím được bôi trơn rất mượt mà, nhấn xuống một phát là biết ngay, hệ thống stabilizer cũng vậy, lube và cân chỉnh cực tốt. Cảm giác gõ mà IKBC CD108 hay IKBC CD87 cực tốt, đặc biệt là với Brown và Red switch, hoàn toàn có thể chấm điểm cao nhất về phần này.