"Lời cảnh báo" cho Trái Đất từ hàng loạt hành tinh khác gần lỗ đen quái vật

Nghiên cứu mới của NASA và một số viện trường của Mỹ đã xác định được "vùng sự sống" của thiên hà chứa Trái Đất, cũng như số phận đáng lo ngại của nhiều nền văn minh ngoài hành tinh.

Nghiên cứu vừa được công bố trên kho trực tuyến arXiv, được viết bởi nhóm tác giả từ Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực của NASA, Viện Công nghệ California và Trường Trung học Santiago ở Corona, California (Mỹ).

"Lời cảnh báo" cho Trái Đất từ hàng loạt hành tinh khác gần lỗ đen quái vật - 1

Sử dụng các mô hình tính toán được thiết lập từ các dữ liệu nghiên cứu không gian nhiều năm qua của NASA, các nhà khoa học xác định rằng khoảng 8 tỉ năm sau khi thiên hà chứa Trái Đất Milky Way hình thành, nó đã đủ khả năng để sở hữu sự sống thông minh.

Với tuổi đời được cho là trên 13 tỉ năm của thiên hà, mô hình này cho thấy nhiều hành tinh đã có nền văn minh trước cả Trái Đất vài tỉ năm. Để có thể sinh sống, hành tinh đó phải thuộc một hệ sao cách trung tâm thiên hà, nơi có lỗ đen "quái vật" Sagittarius A* đang "ngủ đông", khoảng 13.000 năm ánh sáng.

Trái Đất của chúng ta nằm cách lỗ đen quái vật này tận 25.000 năm ánh sáng, vì thế nếu đủ năng lực nhìn thật xa về phía trung tâm thiên hà, chúng ta có thể quan sát thấy các "bạn đồng hành".

Fox News dẫn phần phân tích của các tác giả cho rằng một trong những nguyên nhân khiến các nền văn minh cùng thiên hà khó tìm thấy nhau, đó là việc một nền văn minh ngoài hành tinh tự hủy diệt mình hết sức phổ biến. Nhiều nghiên cứu được thực hiện từ thế kỷ trước đã được lật lại và tính toán lại, cho thấy khả năng các tiến bộ khoa học công nghệ dẫn đến "thoái hóa sinh học" là vô cùng lớn. Đáng cảnh báo, Trái Đất của chúng ta đang có nguy cơ đi trên "vết xe đổ" đó.

Theo Science Alert, công trình này có thể giúp định hướng công cuộc quan sát các ngoại hành tinh trong tương lai. Cách đây hơn 1 tháng, một nghiên cứu khác tính toán dựa trên 4.500 ngoại hành tinh đã được các "thợ săn hành tinh" của NASA, ESA xác định, đã tìm ra cái gọi là "tỉ lệ sống được" và khẳng định Milky Way có khoảng 300 triệu hành tinh "có khả năng hỗ trợ sự sống".

Trong hệ Mặt Trời, có 3 thiên thể thuộc "vùng sự sống" là Trái Đất, Sao Kim và Sao Hỏa. Các nghiên cứu gần đây cho thấy chúng đã từng sống được, cho đến khi một số tác động không may trong quá trình tiến hóa của hệ Mặt Trời gây tuyệt chủng. Một nghiên cứu khác khẳng định Trái Đất cực kỳ may mắn, bởi một số tác động đã từng xảy ra nếu xảy ra mạnh hơn, ví dụ "tiểu hành tinh giết khủng long" lớn hơn một chút, Trái Đất đã tuyệt chủng.