Ông Nguyễn Bá Diệp - Đồng sáng lập MoMo (trái) và ông Trần Thanh Nam - Đồng sáng lập ví điện tử Moca.
Cuộc tranh luận giữa lãnh đạo MoMo và Moca 4 năm trước
Thị trường ví điện tử Việt Nam vài năm tới sẽ ra sao, khả năng sáp nhập thế nào… là những câu hỏi được đặt ra tại buổi tọa đàm với chủ đề "Công nghệ Tài chính và Thanh toán tại ASEAN", thuộc khuôn khổ Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp Sáng tạo Việt Nam 2020.
Ông Nguyễn Bá Diệp – Đồng sáng lập kiêm Phó Chủ tịch MoMo chỉ ra rằng trong số các đơn vị không phải là ngân hàng được cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, 5 ví điện tử lớn nhất đã chiếm tới 95% tổng số giao dịch.
"Theo quan điểm của tôi, tại một thị trường như Việt Nam với dân số khoảng 100 triệu, trong vòng 3 - 5 năm tới sẽ chỉ còn 2 - 3 ví có thể tồn tại được. Những ví nhỏ sẽ phải tìm thị trường rất riêng biệt, nhỏ hơn để tồn tại", ông Diệp đánh giá.
Tuy nhiên, ông Trần Thanh Nam – Đồng sáng lập ví điện tử Moca có ý kiến phản bác. Theo vị lãnh đạo này, thị trường thanh toán điện tử phân mảnh nhưng rất khổng lồ. Với dân số 100 triệu và nền kinh tế tăng trưởng thuộc nhóm nhanh nhất thế giới, mức độ phát triển của ngành fintech (công nghệ tài chính) nói chung và thanh toán điện tử (e-payment) nói riêng tại Việt Nam vẫn khá thấp.
"Tôi nghĩ còn nhiều không gian phát triển. Tôi không quan ngại về việc có quá nhiều tay chơi trên thị trường này, mỗi tay chơi sẽ có thế mạnh riêng và mỗi người đều có cơ hội, bởi thị trường quá lớn", ông Nam nhìn nhận.
Việc tích hợp thanh toán vào Grab – siêu ứng dụng cung cấp dịch vụ gọi xe, đặt đồ ăn, giao hàng… với lượng người dùng đông đảo là một lợi thế lớn của Moca. Tại thời điểm năm 2020, ông Nam cho biết họ đã thu hút 2,5 triệu người dùng - cao hơn số của 5 năm trước cộng lại.
"Trên bình diện chung của thị trường, tỷ lệ sử dụng e-payment/tiền mặt là 5%. Trên app Grab, tỷ lệ sử dụng Moca là 43%. GrabMart – một dịch vụ khá mới được mở ra trong Covid-19, thì 70% giao dịch được thanh toán qua Moca. Những con số trên khích lệ chúng tôi rất nhiều và chứng minh rằng quá trình thay đổi có thể diễn biến rất nhanh", đồng sáng lập Moca cho biết.
Ví điện tử Moca đột ngột thông báo dừng hoạt động
"Công ty đã có những đánh giá cẩn trọng và đưa ra quyết định thực hiện chiến lược tái cấu trúc nhằm hướng đến tăng trưởng bền vững. Theo đó, công ty ngừng cung cấp dịch vụ Ví điện tử Moca từ ngày 1/7/2024", Moca bất ngờ phát thông báo tới người dùng vào ngày 31/5.
Moca cho biết khách hàng nếu còn số dư trong ví Moca có thể chi tiêu cho các dịch vụ hoặc rút tiền về tài khoản/thẻ ngân hàng liên kết còn hoạt động từ nay đến hết ngày 30/6/2024. Từ ngày 1/7/2024, Moca sẽ tiến hành hoàn tiền cho người dùng vẫn còn số dư trong tài khoản.
Trước đó, Moca cũng đã thông báo từ ngày 31/5 ngừng cung cấp dịch vụ thanh toán hóa đơn trên ứng dụng Grab, đồng thời ngừng cung cấp 2 dịch vụ thanh toán hóa đơn và nạp tiền điện thoại trên ứng dụng Moca. Công ty cũng đổi địa chỉ trụ sở chính hồi đầu tháng 4/2024.
Trong mảng thanh toán điện tử, Grab hợp tác chiến lược với Moca từ năm 2018, liên tục đổi tên thành GrabPay, rồi tới GrabPay by Moca, sau đó lấy lại tên Moca. Grab cho biết sau khi ví điện tử Moca ngừng hoạt động, để tiếp tục thanh toán không tiền mặt, khách hàng có thể sử dụng các ví điện tử khác được tích hợp trên nền tảng như ZaloPay, MoMo hoặc thẻ ngân hàng.
Phía Moca lý giải rằng việc dừng cung cấp dịch vụ ví điện tử là để tập trung nguồn lực vào các dịch vụ trung gian thanh toán khác có tiềm năng tăng trưởng tốt hơn tại thị trường Việt Nam.
"Quyết định này được đưa ra sau khi chúng tôi đã có những cân nhắc và đánh giá rất cẩn thận. Với việc tái cấu trúc danh mục dịch vụ, chúng tôi có thể tập trung vào các lĩnh vực mà chúng tôi có thể mang lại giá trị tốt hơn nữa cho người dùng, đồng thời thúc đẩy công ty tăng trưởng một cách hiệu quả và bền vững", Giám đốc Moca Nguyễn Xuân Việt Bình chia sẻ.