Mỹ ra mắt siêu máy tính Summit, 200.000 tỷ phép tính/giây

Siêu máy tính Summit của Mỹ đã chính thức soán ngôi siêu máy tính Trung Quốc khi có khả năng tính 200.000 tỷ phép tính một giây, tương đương với khả năng tính của 6,3 tỷ người trong vòng một năm.
Hôm 8/6 mới đây, phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge thuộc Bộ Năng lượng Mỹ đã công bố một siêu máy tính mới mang tên Summit, với hiệu năng tính toán tối lên tới 200.000 tỷ phép tính trong một giây - tương đương với khả năng tính của 6,3 tỷ người, và tốc độ tính toán của siêu máy tính Summit  đã vượt qua tốc độ tính toán của siêu máy tính Sunway TaihuLight của Trung Quốc, theo Quartz.
 
Theo các chuyên gia của phòng thí nghiệm này, tốc độ tối đa trên lý thuyết của siêu máy tính Summit là 200 petaflop, tức là khoảng 200.000 tỷ phép tính một giây. Hay nói theo cách khác, số lượng phép tính này sẽ phải cần đến khoảng 6,3 tỷ người cùng tính toán trong một giây và tính trong vòng một năm, trong khi Summit có thể làm khối lượng phép tính siêu khổng lồ đó chỉ trong vỏn vẹn một giây.
 
Đây là lần đầu tiên trong 5 năm qua, danh hiệu chiếc máy tính mạnh nhất thế giới đã không còn thuộc về Trung Quốc - với tốc độ tính toán đạt 125 petaflop.
 
Trong những năm gần đây, công nghệ siêu máy tính đã được cải thiện nhanh chóng. Cách đây hơn một thập kỷ, thế giới vẫn chưa thể chế tạo ra được một cỗ máy nào có thể đạt được tốc độ 1 petaflop, nhưng nay công nghệ này đã đạt tới con số 200 và chỉ trong vòng một năm vừa qua, các nhà khoa học đã có bước nhảy vọt từ 125 petaflop lên đến 200 petaflop.
 
Và với tốc độ tính toánh nhanh gấp tám lần so với cỗ máy tính nhanh nhất trước đây của Mỹ, Summit là một bước tiến lớn trong nỗ lực chế tạo siêu máy tính của nước Mỹ.
Siêu máy tính Summit vừa được chính phủ Mỹ giới thiệu.
Nhóm nghiên cứu Oak Ridge cũng cho biết, hệ thống siêu máy tính này có giá lên tới 200 triệu USD và là siêu máy tính đầu tiên được thiết kế riêng cho các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
 
Đây cũng được coi là bước đi quan trọng khi AI đã trở thành cuộc đua mới giữa các nước trên toàn thế giới, đặc biệt là khi các cường quốc đứng đầu đều đầu tư những khoản tiền khổng lồ vào lĩnh vực này.
 
Trong cuộc đua này, hiện Mỹ và Trung Quốc đang dẫn đầu, nhưng Nga, Anh, EU và Canada cũng đang "rục rịch" bám đuổi ở phía sau. Và mặc dù Mỹ hiện (vừa mới) đang sở hữu chiếc máy tính nhanh nhất thế giới, nhưng Trung Quốc mới là quốc gia sở hữu nhiều siêu máy tính hơn cả.
 
Siêu máy tính đã và đang trở thành "cuộc đua", bởi nó là một công cụ vô cùng hữu dụng với vô số những ứng dụng quan trọng và thiết yếu trong đời sống hiện nay, đặc biệt là những chiếc siêu máy tính rất cần thiết cho an ninh quốc gia và phúc lợi chung của xã hội.
 
Ví dụ, ở Mỹ, cơ quan quản lý khí quyển và đại dương quốc gia sử dụng siêu máy tính để dự đoán các xu hướng khí hậu và các mô hình thời tiết trong tương lai. Hay Bộ Năng lượng Mỹ cũng sử dụng chúng để chạy mô phỏng hạt nhân và để khai thác dữ liệu để tìm dầu mỏ và khí tự nhiên. Còn cơ quan an ninh quốc gia và các cơ quan chính phủ Mỹ thì dựa vào siêu máy tính để vượt qua các giao thức mã hóa.
 
Ngoài ra, những cỗ máy mạnh mẽ này rất cần thiết để xử lý các bộ dữ liệu khổng lồ về nghiên cứu bộ gen - một trong những lĩnh vực đầy hứa hẹn trong khoa học y tế.
 
Mặc dù có màn ra mắt khá ấn tượng, nhưng siêu máy tính Summit chỉ là bước đệm cho mục tiêu thực sự của Mỹ: Xây dựng một cỗ máy đạt hiệu năng 1 exaflop - hay 1000 petaflop.
 
Liên quan đến việc này, các quan chức chính phủ Mỹ đã có những cuộc trao đổi với các nhà sản xuất về việc phát triển một số siêu máy tính ở cấp exaflop. Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry cho biết, họ hy vọng sẽ nhận được chiếc siêu máy tính ở cấp exaflop đầu tiên vào năm 2021.