Mặc Shark Linh chê, Shark Hưng vẫn rót 35.000 USD cho startup máy bán hàng IoT

Tiến vào phòng cùng các cộng sự, Lê Tuấn Vũ - Founder & CEO của công ty cổ phần giải pháp kinh doanh Lê Vũ gửi đến nhà đầu tư đề nghị 350 nghìn USD cho 10% cổ phần.

Mang đến sản phẩm máy pha chế tự động Vufood, Lê Tuấn Vũ giới thiệu: Vufood là sáng kiến máy pha chế cafe và trà sữa tích hợp bán hàng tự động, mang lại nhiều lựa chọn đồ uống cho khách hàng trong một chiếc máy, có quy trình vận hành khép kín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, máy cũng hoạt động như một cây tra cứu dữ liệu di động với việc tích hợp thông tin và ứng dụng phục vụ khách du lịch tìm kiếm thông tin.

Hiện, startup đang tập trung phát triển về mảng bán lẻ, cho tự doanh và nhượng quyền với 34 chiếc đã được tung ra thị trường. Vufood được đặt tại các trường đại học và bệnh viện dưới hình thức thuê địa điểm cố định hoặc chia sẻ doanh thu khoảng 15%. Doanh số tại các vị trí cao điểm rơi vào khoảng 50 triệu đồng, tự doanh thì tỉ lệ lợi nhuận đạt 55%.

Mặc Shark Linh chê, Shark Hưng vẫn rót 35.000 USD cho startup máy bán hàng IoT - 1

Đội ngũ đã sáng chế ra 3 máy tự động để bán phở, bán bánh mì và bán trà sữa - café. Trên menu thể hiện 16 món nhưng thực tế, Vufood đã có thể mix được 96 món. Ngoài ra, chiếc máy này được trang bị các tính năng của một thiết bị IoT (Internet of Things), giúp quản lý từ xa, tìm kiếm định vị,...

Chia sẻ địa điểm khác biệt giữa Vufood so với các máy bán hàng tự động được nhập khẩu đang hoạt động trên thị trường, Lê Tuấn Vũ cho biết, máy pha chế tự động Vufood sẽ sử dụng toàn bộ nguyên liệu tươi để pha chế ra thành phẩm. Ngoài ra, việc sử dụng nền tảng quản trị riêng sẽ giúp cho khách hàng mua máy Vufood tiện lợi trong việc theo dõi thanh toán và quản trị.

Sử dụng thực phẩm dạng bột nguyên sơ khiến các nhà đầu tư lo ngại về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), nhưng Lê Tuấn Vũ cho biết, doanh nghiệp chọn lựa các đối tác cung cấp thực phẩm uy tín có giấy phép VSATTP. Cụ thể, máy pha chế Vufood đang xin giấy phép quy chuẩn chứng nhận tất cả các công cụ dạng nhựa, inox tiếp xúc đều đạt tiêu chuẩn dùng trong thực phẩm. Startup sẽ cung cấp 2 giấy phép trên để khách hàng mua máy Vufood có cơ sở đăng ký chứng nhận VSATTP.

Chia sẻ về quá trình sử dụng vốn, Lê Tuấn Vũ dự tính dùng 60% số vốn trong 7 tỉ để tiếp tục sản xuất máy ra thị trường, 1 phần để R&D sản phẩm. 

Mặc Shark Linh chê, Shark Hưng vẫn rót 35.000 USD cho startup máy bán hàng IoT - 2

Shark Linh từ chối đầu tư cho startup này.

Bày tỏ sự lo ngại vấn đề VSATTP và tính khả thi của dự án, lần lượt Shark Đỗ Liên, Shark Nguyễn Thanh Việt, Shark Dzung Nguyễn và Shark Thái Vân Linh đều tuyên bố không đầu tư. Tổng Giám Đốc Vingroup Ventures còn khuyên các nhà sáng lập Vufood nên suy nghĩ lại khi nhận xét: "Một trong những bài học lớn nhất trong suốt 11 năm vừa qua Linh sống tại Việt Nam là: Nhiều thứ mình thấy ở nước ngoài không nhất thiết phải thành công ở Việt Nam. Với sản phẩm như vậy, khoảng năm 1980 - 1990 nó rất phổ biến bên Mỹ, bởi vì người ta quý thời gian".

"Linh thấy khác biệt lớn nhất là người Việt Nam rất quan trọng về chất lượng và khẩu vị, nhất là với café. Linh không nghĩ ở Việt Nam sẵn sàng để mua café từ một cái máy. Những cửa tiệm nhỏ thì không đủ tiền để mua máy đắt tiền, còn nhà hàng thì họ đã có café riêng, văn phòng - tòa nhà lớn thì đều có một quán café bên dưới tầng trệt. Thật khó để mình nghĩ ra cách mở rộng thị trường, phí vận chuyển cũng sẽ khiến tăng giá không biết có khả thi ở nước ngoài hay không. Linh nghĩ các bạn nên suy nghĩ lại", Shark Linh nhận định.

3/4 “cá mập” rút lui, duy chỉ có Shark Phạm Thanh Hưng thể hiện sự hứng thú với ý tưởng của dự án Vufood khi nhận định ứng dụng có thể áp dụng để triển khai cho nhiều dự án khác dù vẫn đang ở giai đoạn chưa bùng nổ được. Shark Hưng đưa ra đề nghị 350.000 USD cho 36% cổ phần của Vufood. 

Mặc Shark Linh chê, Shark Hưng vẫn rót 35.000 USD cho startup máy bán hàng IoT - 3

Shark Hưng chấp nhận đầu tư.

Với số cổ phần nhà đầu tư đang muốn sở hữu nhiều hơn so với mong đợi, các nhà sáng lập của Vufood buộc phải hội ý với nhau để đưa ra quyết định. Quay trở lại phòng thương thuyết, nhà sáng lập Lê Tuấn Vũ bày tỏ sự trăn trở: “Bọn em còn phải trải qua nhiều vòng nữa để nhân rộng máy ra thị trường. 350.000 USD chắc chắn không đủ”.

Sau thời gian thương lượng, đôi bên đã tìm được tiếng nói chung khi Shark Phạm Thanh Hưng đồng ý nhún nhường cam kết trong 3 năm không tăng thêm phần vốn rót, và nhà đầu tư chấp nhận thoát khỏi công ty bất cứ thời điểm nào nếu lợi nhuận của startup đạt được 200% sau mỗi năm.