Mạng xã hội, góc khuất của Mark Zuckerberg

Đã 17 năm kể từ ngày trang mạng xã hội Facebook được khai sinh trong một căn phòng nhỏ tại kí túc xá đại học Harvard cho đến khi trở thành một thế lực xoay chuyển thế giới, đưa ông chủ của nó là Mark Zuckerberg trở thành tỷ phú khi mới ngoài 20 tuổi. Thành công nhanh chóng được sự chú ý của Hollywood.

Và vào năm 2010, bộ phim The Social Network (Mạng Xã Hội) phỏng theo cuộc đời và sự nghiệp của Mark Zuckerberg ra mắt đã gây ra rất nhiều tranh cãi khi phơi bày nhiều góc khuất đằng sau quá trình xây dựng Facebook của vị tỷ phú trẻ.

“Ta không thể có được 500 triệu người bạn trên mạng mà không tạo ra một vài kẻ thù”

Đây là câu slogan nổi tiếng của phim, ám chỉ tại thời điểm nó ra mắt, Facebook đã có 500 triệu người dùng còn Mark Zuckerberg đã sở hữu số tài sản lên đến 4 tỷ đô la. Nhưng để có được thành tích đó anh đã phải “hy sinh” rất nhiều thứ.

Kịch bản của The Social Network được biên kịch Aaron Sorkin xây dựng chặt chẽ với ba dòng thời gian khác nhau lồng vào mạch phim: quá trình ra đời và phát triển của Facebook; vụ kiện của anh em nhà Winklevoss; vụ kiện của người bạn thân Eduardo Saverin, dĩ nhiên là đều kiện Mark Zuckerberg.

Tâm điểm của phim là tình bạn giữa Mark Zuckerberg (do Jesse Eisenberg thủ vai) và Eduardo Saverin (Andrew Garfield) và sự tan vỡ của nó. Thời còn đi học, Mark bộc lộ bộ óc thiên tài về vi tính trong khi Eduardo lại có thiên hướng về kinh tế.

Chính Eduardo là người đã hậu thuẫn tài chính để Mark có thể thực hiện ý tưởng The Facebook, một trang web có cơ chế hoạt động như một xã hội ảo, nơi người dùng có thể đăng tải nội dung, kết bạn, chia sẻ cảm nghĩ, làm hồ sơ cá nhân… Cùng nhau, họ đã đặt những viên gạch đầu tiên cho tương lai của Facebook.

Mạng xã hội, góc khuất của Mark Zuckerberg - 3

Erica Albright và Mark Zuckerberg

Thế nhưng sau khi gặp mặt Sean Parker (Justin Timberlake), cha đẻ của ứng dụng nghe nhạc lậu Napster và được thuyết phục bởi những hướng đi hấp dẫn hơn, đảm bảo thành công và lợi nhuận lâu dài cho Facebook (chính Parker là người gợi ý bỏ chữ The ra khỏi tên). Mark quyết định từ bỏ Eduardo, thậm chí còn gài bẫy để người bạn thân mất đi 30% cổ phần.

Dù được tường thuật khá tỉ mỉ qua lời kể của nhân vật chính và các cuộc đối thoại thì thực chất, quá trình hình thành Facebook chỉ là cái cớ để đạo diễn David Fincher và biên kịch Aaron Sorkin kể một câu chuyện về tình bạn, tham vọng, dối trá và phản bội mà trung tâm chính là Mark Zuckerberg.

Để rồi sau mỗi tình tiết nhỏ, tính cách của ông chủ Facebook dần được tiết lộ và khán giả chợt nhận ra đây cũng chỉ là một con người với nhiều khiếm khuyết, cô độc, đáng thương khiến ta muốn đồng cảm và thấu hiểu.

Bi kịch của thiên tài

Nội dung của The Social Network được dựa trên quyển sách The Accidental Billionaires (tạm dịch: Những vị tỷ phú ngẫu nhiên). Cả phim và sách đều được ra mắt mà không có sự đồng thuận của Mark Zuckerberg.

Ngay từ cảnh mở đầu đã cho ta thấy những nét phác họa cho tính cách của Mark Zuckerberg. Trong buổi hẹn hò với cô bạn gái Erica Albirght, anh liên tục khoe khoang về trí thông minh của mình và khinh thường người đời, đến khi bị cô bạn bắt bẻ thì anh lại đáp trả cay cú, cuối cùng thì bị mắng đến vỡ mặt. “Cậu có thể trở thành một người cực kì thành công trong tương lai, nhưng từ tận đáy lòng mình, tôi tin rằng sẽ chẳng có ai ưa nổi cậu đâu. Bởi vì cậu là một tên khốn!”. Câu chốt buổi hẹn của Erica trở thành nỗi ám ảnh với Mark Zuckerberg về sau này.

Trong sự giận dữ với cô bạn gái, anh đánh cắp thông tin của toàn bộ sinh viên nữ trường Harvard để lập ra trang web Facemash, cho phép các nam sinh cùng trường bình chọn cô nào xinh nhất, qua đó loại trừ các cô gái xấu xí. Đó như là cách để Mark trả thù cô bạn gái của mình. Còn Facemash chính là ý tưởng tiền đề để anh tạo ra Facebook sau này.

Trên chặng đường tìm kiếm thành công cùng Facebook, tất cả những người đã từng giúp đỡ hay có liên quan đều bị Mark Zuckerberg thẳng tay gạt bỏ. Đến cuối cùng, khi chỉ còn lại một mình giữa căn phòng trống trong giờ nghỉ giải lao giữa buổi điều trần, người xem được chứng kiến khoảnh khắc đắt giá nhất phim, cũng chính là cảnh kết: Mark mở laptop, truy cập Facebook, tìm tên cô bạn gái cũ Erica Albright, nhấn kết bạn, rồi chờ đợi và chờ đợi.

Có lẽ những buổi điều trần dài như vô tận đã vắt kiệt tinh thần của anh, khiến anh chàng tổn thương và cuối cùng chịu tìm đến một ai đó để tìm sự an ủi. Trên trang mạng xã hội với 500 triệu người dùng thuộc quyền sở hữu của Mark Zuckerberg, liệu Erica có chấp nhận lời mời kết bạn từ anh?

Bộ phim kết thúc mà không cho ta câu trả lời nhưng để lại tín hiệu tích cực là tại thời điểm đó, Mark đã chịu thay đổi. Điểm tô cho cảnh kết là bài nhạc nền Baby, You’re a Rich Man của The Beatles, một bài hát nói về sự giàu có nhưng không phải là về vật chất mà là về tinh thần.

Góc nhìn mới về phim sau hơn 10 năm ra mắt

Hiện nay Mark Zuckerberg và Facebook đã đi được một chặng đường dài và trở thành một quyền lực có sức ảnh hưởng toàn cầu. Có thể sánh ngang với Bill Gates và Microsoft, đúng như lời dự báo trong phim.

Về vấn đề bảo mật và an toàn thông tin người dùng cũng được manh nha từ thời Facemash. Việc Mark đánh cắp thông tin của sinh viên trong trường chỉ để tiêu khiển là dấu hiệu cho thấy từ đầu anh chàng không thực sự coi trọng vấn đề này, mà vụ bê bối dữ liệu Cambridge Analytica vào năm 2015 là một minh chứng. Lại thêm một vụ kiện tốn kém hàng trăm triệu đô có liên quan đến Mark Zuckerberg, còn người yêu điện ảnh lại có cớ để mong chờ David Fincher và Aaron Sorkin làm thêm Mạng xã hội 2.

Gần đây có một bộ phim của Netflix về Facebook là The Social Dilemma (Song Đề Xã Hội) được ra mắt đã lên án kịch liệt mạng xã hội này khi cho rằng nó thao túng đời sống con người, thao túng bầu cử, định hướng tiêu dùng… Điều này được dự báo trong đoạn thoại giữa Eduardo Saverin và Mark Zuckerberg khi bàn về ý tưởng Facebook: “Người ta truy cập Facemash rất tự phát, đúng chứ? Họ truy cập là vì họ thấy hình ảnh của những người họ quen biết. Mọi người muốn lên mạng để xem bạn bè họ thì tại sao không lập ra một trang cho phép họ tải ảnh, kết bạn, làm hồ sơ cá nhân, lướt vòng vòng. Tôi đang nói về việc đưa toàn bộ hoạt động trong thế giới thực lên mạng”.

Đối chiếu với đoạn chat bị rò rỉ của Mark Zuckerberg ngoài đời vào năm 19 tuổi, gọi người dùng mạng xã hội của mình là “lũ ngu” khi tự nguyện giao nộp thông tin cá nhân cho anh và thực tế hiện nay Facebook đã có cho mình gần 3 tỷ người dùng, ta có thể thấy vấn đề mà The Social Dilemma đưa ra là hoàn toàn có cơ cở.

Mạng xã hội, góc khuất của Mark Zuckerberg - 4

“Mark Zuckerberg đã chà đạp rất nhiều người để đạt được thành công và tiền bạc, nhưng đã đến lúc để anh chuộc lại mọi lỗi lầm và bồi đắp niềm vui vào cuộc sống của mình”

Lời chia sẻ của biên kịch Aaron Sorkin

Bình bàn

Trong thời đại bùng nổ thông tin, con người có thể làm giàu mà chỉ cần có một ý tưởng độc đáo. Song The Social Network lại không hề đả động đến thành tích khủng mà Facebook đạt được hay chia sẻ bí kíp làm giàu. Chủ ý của đạo diễn David Fincher ngay từ đầu là đặt ống kính gần sát với nhân vật để kể câu chuyện từ bên trong, một câu chuyện về tình bạn và sự phản bội cùng cái giá phải trả để theo đuổi sự thành công. Hoàn toàn có thể gói gọn toàn bộ Mạng xã hội trong câu slogan: “Ta không thể có được 500 triệu người bạn trên mạng mà không tạo ra một vài kẻ thù”.