Theo TechSpot, Apple sắp bổ sung tính năng "Stolen Device Protection" trên iOS 17.3, mang đến khả năng bảo vệ đa lớp mạnh mẽ hơn cho dữ liệu iPhone khi bị kẻ trộm đánh cắp. Tuy nhiên, trước khi tính năng này được phát hành, những kẻ trộm vẫn có thể lợi dụng lỗ hổng bảo mật của tính năng bảo vệ iPhone bằng mật mã để chiếm quyền kiểm soát thiết bị và gây ra nhiều thiệt hại.
Theo The Wall Street Journal, một kẻ trộm iPhone tên Aaron Johnson hiện đang thụ án đã khai nhận rằng anh ta từng dẫn đầu một băng cướp iPhone. Johnson đã phát hiện ra lỗ hổng bảo mật trong tính năng bảo vệ bằng mật mã của iPhone của Apple, từ đó âm thầm theo dõi mật mã của nạn nhân và thay đổi nó sau khi trộm được điện thoại. Việc làm tiếp theo là đặt lại mật khẩu Apple ID và thêm Face ID vào điện thoại. Sau khi thực hiện những việc này, Johnson sẽ có quyền truy cập vào tài khoản ngân hàng hoặc tiêu tiền qua Apple Pay.
Một kẻ trộm iPhone khác cũng cho biết rằng hắn thường thay đổi mật khẩu Apple ID chỉ trong vòng vài phút sau khi lấy được điện thoại nhờ biết được mật mã mở máy. Nhưng mục tiêu trộm iPhone của hắn là những dữ liệu đáng giá nằm bên trong, thay vì chỉ trộm điện thoại và đem bán.
Chẳng hạn như chúng sẽ thoải mái sử dụng Apple Pay để mua sắm, sau đó xâm nhập vào thư viện hình ảnh và ghi chú để lấy các thông tin nhạy cảm, từ đó có thể truy cập vào các ứng dụng ngân hàng và ví điện tử của nạn nhân. Cuối cùng, những chiếc iPhone bị đánh cắp này sẽ được đem bán ở các dịch vụ thu mua iPhone cũ.
Trong khi chờ đợi tính năng Stolen Device Protection từ Apple, người dùng cần lưu ý không được chia sẻ mật mã mở khóa với bất kỳ ai. Bên cạnh đó cần sử dụng mật mã có độ phức tạp gồm cả chữ và số
Sử dụng mật mã gồm cả chữ và số, điều này giúp tăng độ phức tạp và giảm khả năng ghi nhớ của người khác khi họ nghe được. Đặc biệt, nên chặn quyền truy cập và sửa đổi tài khoản Apple ID cũng như mật mã trên iPhone, bằng tính năng giới hạn Restrictions.