Meta, công ty mẹ của Facebook, thông báo rằng sẽ xóa bỏ lựa chọn quảng cáo nhắm vào sức khỏe, chủng tộc/dân tộc, quan điểm chính trị, tôn giáo hoặc khuynh hướng tình dục của người dùng, có hiệu lực từ ngày 19/1/2022.
Graham Mudd, Phó Chủ tịch phụ trách marketing và quảng cáo của Meta, cho biết một số chuyên gia đã bày tỏ quan ngại rằng lựa chọn quảng cáo nhắm vào các khía cạnh như vậy có thể dẫn đến những trải nghiệm xấu cho người dùng trong khi một số đối tác kinh doanh lại lo lắng về một số ảnh hưởng tích cực sẽ mất đi do động thái này. Theo ông Mudd, Meta vẫn quyết định ra một lựa chọn phù hợp với lợi ích của các bên.
Ở thời điểm hiện tại, quảng cáo có thể nhắm vào những người dùng quan tâm đến nhiều vấn đề xã hội, nhân vật nổi tiếng hoặc các tổ chức có liên quan, dựa trên thông tin thu thập được từ việc theo dõi hoạt động trên Facebook, Instagram và các nền tảng khác do Meta sở hữu. Ví dụ, một người bày tỏ thái độ quan tâm về chủ đề “hôn nhân đồng giới” trong hoạt động trên Facebook có thể thấy quảng cáo của một tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ vấn đề này.
Tuy nhiên, việc quảng cáo nhắm đến những khía cạnh nhạy cảm vẫn có thể bị lạm dụng dù cố ý hay vô ý. Meta, trước đó là Facebook, đã từng bị chỉ trích nặng nề do để lọt các quảng cáo mang tính phân biệt chủng tộc, chứa thông tin sai lệch hoặc gây ảnh hưởng xấu về tâm lý đến người dùng lên mạng xã hội của mình.
Vào năm 2019, Facebook tuyên bố sẽ cải tạo hệ thống chọn đối tượng quảng cáo nhằm ngăn ngừa quảng cáo nhà ở, tín dụng và việc làm phân biệt theo độ tuổi, giới tính hay mã bưu chính. Quyết định của Facebook vào lúc đó cũng hạn chế lựa chọn quảng cáo nhằm tránh phân biệt chủng tộc, dân tộc và các nhóm phân loại khác như quốc tịch hay khuynh hướng tình dục.
Doanh thu từ quảng cáo của Facebook đạt mức 28,2 tỷ USD trong Q3/2021 - một con số giúp giải thích vì sao việc giảm lựa chọn quảng cáo lại là một quyết định “khó khăn” đối với mạng xã hội này. Dù vậy, Meta vẫn có thể chọn đối tượng quảng cáo dựa trên tuổi, giới tính và nơi ở của người dùng.