Ngày 9/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức cấp phép triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money (tiền di động) trong 2 năm. Mobile Money là hình thức sử dụng tài khoản viễn thông (thuê bao MobiFone, VinaPhone, Viettel,...) thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ.
Giải thích rõ hơn dịch vụ này, đại diện MobiFone cho biết: Khác với các dịch vụ ví điện tử, trung gian thanh toán đang cung cấp trên thị trường, dịch vụ Mobile Money không yêu cầu người sử dụng phải có tài khoản ngân hàng mà chỉ cần có 1 số điện thoại di động. Việc sử dụng dịch vụ Mobile Money với thuê bao trả trước và trả sau là không có khác biệt, có thể thực hiện nạp/rút tiền dễ dàng tại các điểm giao dịch của MobiFone trên toàn quốc.
Theo đại diện MobiFone, với tỉ lệ người dân có điện thoại di động ở mức cao (đến cuối năm 2019, Việt Nam có 129,5 triệu thuê bao, trong đó số điện thoại di động băng rộng 3G và 4G là hơn 61,3 triệu thuê bao, mạng điện thoại di động đã được phủ kín hầu hết các địa phương trên toàn quốc), Mobile Money được kỳ vọng sẽ tiếp cận được bộ phận lớn người dân, đặc biệt với những người ở vùng sâu, vùng xa, chưa có tài khoản ngân hàng.
"Dịch vụ Mobile Money sẽ song hành cùng các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, góp phần phổ cập dịch vụ tài chính, thanh toán đến toàn bộ người dân, thúc đẩy xu hướng thanh toán không dùng tiện mặt theo đúng định hướng của chính phủ", đại diện MobiFone kỳ vọng.
MobiFone sẽ cho khách hàng nạp/rút tiền vào tài khoản thanh toán Mobile Money tại tất cả các điểm giao dịch.
Cụ thể, loại hình này sẽ cho phép các doanh nghiệp viễn thông tham gia vào thị trường thanh toán, đem lại nguồn doanh thu mới trong bối cảnh thị trường dịch vụ viễn thông truyền thống hiện đã bão hòa. Với MobiFone nói riêng và các nhà mạng khác nói chung, triển khai cung cấp dịch vụ Mobile Money sẽ là những mảnh ghép quan trọng hoàn thiện hệ sinh thái số của nhà mạng này, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ theo hướng chuyển đổi số.
Thị trường Mobile Money được dự đoán tăng trưởng nhanh và phát triển tốt với chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ. MobiFone dự kiến Mobile Money sẽ chiếm khoảng 10% doanh thu của họ.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích đạt được thì cũng luôn tồn tại những khó khăn, thách thức, rủi ro cần giải quyết. Đặc biệt là việc đảm bảo an toàn tiền trong tài khoản của khách hàng; kiểm tra, giám sát các giao dịch thanh toán đảm bảo đúng quy định pháp luật… Để giải quyết bài toán này, các cơ quan quản lý nhà nước đưa ra các quy định về giám sát, quản lý rủi ro rất chặt chẽ như: Quy định về tài khoản đảm bảo, giới hạn hạn mức giao dịch,…
Hiện nay, hạn mức giao dịch đã được các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, đánh giá rất kỹ trước khi quyết định đưa ra con số 10 triệu đồng/tháng đối với khách hàng cá nhân. Hạn mức này theo đại diện MobiFone là phù hợp với nhu cầu sử dụng thực tế của phần lớn khách hàng và đáp ứng các yêu cầu về quản lý, giám sát dịch vụ.
"Trong giai đoạn thí điểm, hạn mức tối đa này là quy định bắt buộc, MobiFone hay bất cứ đơn vị cung cấp dịch vụ Mobile Money nào khác cũng không thể đưa ra các chính sách khuyến khích, ưu đãi nào khác trái với quy định này", đại diện MobiFone nhấn mạnh.