Theo Sky and Telescope, nhóm tác giả dẫn đầu bởi TS Tomohiro Yoshida từ Đài quan sát thiên văn quốc gia Nhật Bản đã xác định được một hành tinh mới có khối lượng gấp 4 lần Trái Đất xung quanh một ngôi sao mới 8 triệu năm tuổi tên TW Hydrae.
Cụ thể hơn, họ tìm ra dấu hiệu của khí sốc bên trong đĩa tiền hành tinh của TW Hydrae thông qua dữ liệu của ALMA, một giao thoa kế thiên văn cực mạnh gồm 66 kính thiên văn vô tuyến đặt tại sa mạc Atacama phía Bắc Chile.
Khi các hành tinh đang phát triển thu thập khí và bụi, chúng cũng giải phóng vật chất vào môi trường xung quanh dưới dạng luồng phản lực.
Khí sốc mà "mắt thần" ALMA ghi nhận chính là luồng vật chất này, đang lao ra rất mạnh và đập vào môi trường xung quanh, tạo nên những cú sốc kích hoạt sự hình thành các phân tử như lưu huỳnh monoxit (SO), thứ mà các đài thiên văn có thể nắm bắt.
Các nỗ lực đo lường luồng vật chất này cũng giúp các nhà khoa học ước tính được khối lượng, kích cỡ của hành tinh non trẻ đang ra đời.
Dựa vào vị trí phát hiện khí sốc cũng như khoảng trống giữa đĩa tiền hành tinh mà siêu Trái Đất trẻ tạo nên, các nhà khoa học cũng biết khoảng cách giữa hành tinh này và sao mẹ là khoảng 42 đơn vị thiên văn (AU), tức 42 lần khoảng cách Mặt Trời - Trái Đất.
Ngôi sao trẻ TW Hydrae cách Trái Đất khoảng 200 triệu năm ánh sáng và là ngôi sao có đĩa tiền hành tinh gần nhất mà nhân loại biết đến.
Đĩa này vốn chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn khi ngôi sao đó còn trẻ. Toàn bộ vật liệu từ đĩa này sẽ dần kết tụ lại thành các hành tinh của nó.
Vì vậy, một ngôi sao đang trong thời kỳ có đĩa tiền hành tinh là một mục tiêu thiên văn hiếm có và thú vị.
Nhìn chung, công trình này củng cố thêm một bằng chứng nữa về sự hiện diện của một hành tinh mới của TW Hydrae và chúng ta có thể mong đợi các quan sát trong tương lai có thể giúp theo dõi sự phát triển của các hành tinh tiềm năng trong hệ này.
Đó cũng là cách để nhân loại có cái nhìn "ngược thời gian" về Trái Đất thuở sơ khai, khi nó chập chững kết tụ từ đĩa tiền hành tinh của Mặt Trời.