Nạn vi phạm bản quyền phần mềm tiếp tục gia tăng tại khu vực châu Á

Đây là kết quả từ một cuộc điều tra riêng về thị trường PC mới ở châu Á do Microsoft tiến hành, và hãng đã phát hiện có một số lượng lớn máy tính đã được bán ta tại đây với bản quyền Windows lậu.
Ngoài việc tìm thấy các phiên bản Windows lậu, Microsoft còn phát hiện ra các phần mềm độc hại và công cụ đào tiền điện tử (tiền ảo) cũng được cài bí mật vào thiết bị của người dùng trước khi bán cho họ, trang tin Softpedia cho hay.
 
Liên quan đến vụ việc, trang The Economic Times cũng đã đưa tin, rằng Microsoft đã mua máy tính cá nhân từ tháng 5 đến tháng 7 tại các thị trường châu Á nhằm xác định xem có bao nhiêu thiết bị trong số này được bán với bản quyền Windows lậu và cài đặt sẵn phần mềm độc hại.
Nạn vi phạm bản quyền phần mềm tiếp tục gia tăng tại khu vực châu Á.
Về lý thuyết, PC phải được cài đặt sẵn với phiên bản Windows được cấp phép. Tuy nhiên, Microsoft phát hiện ra rằng, nhiều PC trong các cửa hàng bán lẻ Châu Á sở hữu rất nhiều phần mềm hệ thống lậu. Để điều tra, công ty đã mua ngẫu nhiên 166 máy tính cá nhân tại chín quốc gia châu Á. Và kết quả thu được thật đáng lo ngại: gần 100% máy tính mới được khách hàng mua tại các thị trường như Hàn Quốc, Malaysia, Việt Nam và Thái Lan đều có sử dụng phần mềm lậu. Hơn nữa, có tới 91% bản quyền Windows trên máy tính của Ấn Độ không phải là chính hãng, Indonesia xếp sau với 90%.
 
Nhìn chung, ít nhất 83% máy tính mà Microsoft mua tại thị trường châu Á được cài đặt một phiên bản Windows bản quyền lậu. Philippines là quốc gia có tỷ lệ vi phạm bản quyền Windows thấp nhất trên các máy tính mới - "chỉ" 43%.
 
Ngoài ra, Microsoft cũng phát hiện nhiều phần mềm độc hại trên phần lớn các máy tính, cũng như các công cụ đào tiền ảo được cài đặt và hoạt động bí mật trên thiết bị mà chủ sở hữu không hề hay biết.
 
Về việc này, Mary Jo Schrade - Giám đốc khu vực bộ phận Tội phạm Kỹ thuật số của Microsoft tại châu Á, cho biết: "Tội phạm mạng đang không ngừng phát triển kỹ thuật của họ để né tránh các biện pháp an ninh, và nhúng phần mềm độc hại của họ vào phần mềm lậu là một trong những chiến thuật của họ. Chiến thuật này cho phép họ kiểm soát số lượng lớn máy tính cá nhân và truy cập vào số lượng thông tin bị đánh cắp một cách dễ dàng."
 
Và, "Khi các nhà cung cấp bán phần mềm lậu có chứa mã độc trong máy tính cá nhân của họ, họ không chỉ thúc đẩy sự lây lan của mã độc trong khu vực mà còn đưa thông tin cá nhân của khách hàng và danh tính kỹ thuật số cho tội phạm mạng", bà cho biết thêm.
 
Hiện Microsoft cũng chưa tiết lộ liệu họ có kế hoạch cho bất kỳ hành động pháp lý nào chống lại các nhà bán lẻ bán bản sao Windows lậu trên máy tính mới hay không, nhưng đây là việc đã từng có tiền lệ trong quá khứ của công ty.