James Webb, kính viễn vọng không gian mạnh nhất thế giới được phát triển và điều hành chính bởi NASA, đã đem lại cái nhìn sắc nét chưa từng thấy về Arp 220, một cặp thiên hà hợp nhất cách chúng ta tận 250 triệu năm ánh sáng.
Theo tờ Space, Arp 220 hiện có hình xoắn ốc giống thiên hà chứa Trái Đất Milky Way (Ngân Hà), có những cái đuôi xoáy ở vùng ngoại vi, đã bắt đầu vũ điệu hòa trộn từ 700 triệu năm trước và có thể kéo dài thêm rất lâu sau đó.
Khi các thiên hà Arp 220 bắt đầu hợp nhất, lượng khí bụi dồi dào đã kích hoạt quá trình hình thành sao mạnh mẽ và phần lớn tập trung ở trung tâm đầy bụi của chúng.
"Lượng khí trong khu vực nhỏ bé này bằng với tất cả khí trong toàn bộ Ngân Hà" - nhóm điều hành James Webb mô tả.
Hơn 200 cụm sao đã được đóng gói trong khu vực chỉ 5.000 năm ánh sáng đó, khiến vòng hình thành sao trung tâm tỏa sáng rực rỡ, phát ra hào quang như một ngôi sao sáu cánh với mỗi cánh là một dải sáng nhọn, sắc.
Tuy nhiên quá trình hình thành sao ồ ạt này đã đột ngột tắt khoảng 100 triệu năm trước, khiến thiên hà bước vào giai đoạn hậu bùng nổ sao.
Arp 220 trước đó đã được Kính viễn vọng không gian Hubble hơn 3 thập kỷ tuổi đời của NASA phát hiện lần đầu vào năm 2022, sau đó được quan sát bổ sung bằng Đài quan sát tia X Chandra cũng của NASA.
Tuy nhiên với "mắt thần" của James Webb, lần đầu tiên nó được nhìn thấy rõ ràng đến thế.
Đó cũng là cửa sổ thời gian để người Trái Đất nhìn vào tương lai của mình. Ngân Hà, một "quái vật" trong giới thiên hà, sẽ trải qua hợp nhất thiên hà trong 2 tỉ năm tới và 4-5 tỉ năm tới. Lần đầu với một thiên hà lùn nhưng lần sau sẽ là với một "quái vật" xứng tầm - Andromeda, tức thiên hà Tiên Nữ.
Vụ hợp nhất giữa hai thiên hà khổng lồ Ngân Hà - Tiên Nữ sẽ kéo dài trong khoảng 10 tỉ năm, chắc chắn sẽ giúp nhiều ngôi sao mới ra đời. Nhưng có khả năng là tận thế của Trái Đất, vì các nhà nghiên cứu dự đoán rằng cú va chạm có thể khiến hành tinh của chúng ta bị đánh bật khỏi "vùng sự sống" của hệ Mặt Trời.