NASA/ESA chụp được "chiếc đĩa bay từ cõi chết"

Một vật thể trông như một chiếc đĩa bay hay chiếc bánh donut lơ lửng giữa không trung, to bằng cả hệ Mặt Trời của chúng ta, vừa được ghi nhận bởi kính viễn vọng không gian Hubble.

Với "mắt thần" cực mạnh, Hubble - điều hành chính bởi NASA với sự cộng tác của ESA (Cơ quan Vũ trụ châu Âu) - đã "nhìn" được một vật thể độc đáo ở trung tâm thiên hà ESO 583-G004 cách chúng ta 300 triệu năm ánh sáng.

Dưới ánh sáng cực tím, sự kiện mang mã số AT2022dsb hiện ra như một chếc đĩa bay hay chiếc bánh donut khổng lồ, được xác định là một TDE, tức sự kiện lỗ đen xé sao.

Tờ Space dẫn lời nhà nghiên cứu Emily Engelthaler từ trung tâm Vật lý thiên văn Havard-Smithsonian (CfA) cho biết việc quan sát các TDE dưới ánh sáng cực tím vẫn còn rất hiếm. Đó là một kho báu đối với các nhà khoa học, bởi quang phổ cực tím vốn tiết lộ rất nhiều dữ liệu về vật thể.

Nhóm quan sát TDE AT2022dsb đã may mắn theo dõi được quang phổ cực tím của nó từ lúc ngôi sao xấu số bắt đầu bị bắt cho đến khi "đĩa bay" được tạo hình, vốn là vật chất của ngôi sao bị xé toạc và biến thành thứ giống đĩa bồi tụ quanh lỗ đen, do bị tác động bởi lực hấp dẫn từ phía "quái vật" này.

Lỗ đen trung tâm các thiên hà là loại lỗ đen lớn nhất trong vũ trụ, gọi là lỗ đen siêu khối hay lỗ đen quái vật, thường gây ra các sự kiện vô cùng dữ dội và là những "kẻ ăn tạp".

Lỗ đen này cũng như nhiều lỗ đen quái vật khác cũng phóng một cú "ợ hơi" mạnh mẽ ra không gian. Các nhà khoa học đã ghi nhận được một cơn gió sao từ nó quét về phía Trái Đất với tốc độ 32,2 triệu km/giờ.

Chiếc đĩa bay kỳ dị sẽ tồn tại trong vài ngày cho tới vài tháng trước khi lỗ đen giải quyết hoàn toàn con mồi của mình. Các nhà khoa học khẳng định việc quan sát đĩa vật chất này sẽ giúp họ bổ sung rất nhiều thông tin để hoàn thiện bức tranh về một sự kiện TDE.

Ước tính chiếc đĩa bay này có kích thước bằng cả hệ Mặt Trời của chúng ta.

Nghiên cứu vừa được công bố tại cuộc họp lần thứ 241 của Hiệp hội Thiên văn Mỹ.