Ngăn chặn người nổi tiếng sản xuất nội dung nhảm nhí, phản cảm

Bộ TT&TT tăng cường biện pháp quản lý nhằm tránh gây ảnh hưởng tiêu cực tới giới trẻ, góp phần ngăn chặn việc sản xuất nội dung nhảm nhí, phản cảm trên mạng xã hội.

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa gửi báo cáo đến các đại biểu Quốc hội kết quả triển khai một số nghị quyết liên quan đến lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Báo cáo của Bộ TT&TT nêu rõ, sự phát triển quá nhanh của công nghệ trong khi công tác quản lý chưa theo kịp sự phát triển khiến không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội trở thành mảnh đất màu mỡ để các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội lợi dụng tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước.

Ý thức của người sử dụng còn hạn chế, nhiều người khi tham gia sử dụng mạng xã hội có suy nghĩ mạng xã hội là “vô danh nên vô trách nhiệm”, dưới các nick ảo, nặc danh thì có thể phát ngôn thoải mái mà không sợ bị ai phát hiện, bị cơ quan nào xử lý.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng, đặc biệt là điều chỉnh hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới còn nhiều bất cập, chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn.

Ngoài ra, nguồn lực về nhân sự và phương tiện, công cụ của đội ngũ thực hiện nhiệm vụ quản lý hoạt động cung cấp, sử dụng thông tin trên không gian mạng còn mỏng về số lượng, chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình phát triển của công nghệ số.

Báo của của Bộ TT&TT cũng nêu việc hệ thống kỹ thuật, công cụ theo dõi, rà quét nhằm phát hiện thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên không gian mạng nói chung và trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới chưa đáp ứng được yêu cầu công việc.

Thời gian tới, Bộ TT&TT đẩy mạnh việc tuyên truyền để từng người dân nâng cao nhận thức, không còn lối suy nghĩ mạng xã hội là “vô danh nên vô trách nhiệm”; tăng cường lan tỏa thông tin chính thống, thông tin tích cực, gương người tốt việc tốt, lan tỏa cộng đồng sống tử tế trên không gian mạng, các thông tin khuyến khích thế hệ trẻ giữ gìn truyền thống văn hóa, đạo đức, bảo tồn thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Bộ cũng tăng cường phát hiện và xử lý thông tin vi phạm. Bộ sẽ triển khai hệ thống kỹ thuật, chủ động rà soát phát hiện kịp thời nguồn phát tán thông tin vi phạm; đấu tranh, yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới ngăn chặn, gỡ bỏ kênh, fanpage, group có nội dung nhảm nhí, giật gân, trái với thuần phong mỹ tục, siết chặt quản lý đối với những người làm video clip kiếm tiền.

Bộ TT&TT cũng phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai các biện pháp hạn chế sự xuất hiện hình ảnh, sản phẩm nghệ thuật biểu diễn của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trên báo chí, các phương tiện truyền thông xã hội (nhất là trên Facebook, YouTube, TikTok).

Biện pháp này nhằm tránh gây ảnh hưởng tiêu cực tới giới trẻ, góp phần ngăn chặn việc sản xuất nội dung nhảm nhí, phản cảm.

Ngoài ra, cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch, triển khai các chiến dịch nhằm định hướng, khuyến khích những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật là người nổi tiếng trên mạng, những người có tầm ảnh hưởng lớn đối với giới trẻ hiện nay để khuyến khích họ sản xuất, sáng tạo lan tỏa những nội dung có giá trị, phù hợp với văn hóa Việt, góp phần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, biến những nội dung sạch thành dòng chủ lưu trên không gian mạng, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh cho môi trường mạng.