Vừa qua, Gojek đã công bố một số số liệu về tình hình hoạt động của các nhà bán hàng trên nền tảng đặt đồ ăn trực tuyến GoFood của họ tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2022. Số liệu cho thấy, tình hình hoạt động kinh doanh của các nhà bán hàng trên nền tảng GoFood có sự phục hồi và tăng trưởng đáng kể, với doanh thu trung bình trong 6 tháng đầu năm của các cửa hàng tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021, trước khi TP.HCM và Hà Nội bước vào giãn cách xã hội do làn sóng COVID-19 lần thứ tư.
Cụ thể, trong nửa đầu năm 2022, lượng người dùng đặt món trên nền tảng GoFood tăng 66% so với cùng kỳ năm 2021. Lượng người dùng mới tăng 35%, trong đó tốc độ tăng trưởng ở Hà Nội cao gấp gần 5 lần ở TP.HCM. Bên cạnh đó, các khách hàng cũ cũng tăng cường đặt đơn trên GoFood, với tổng lượng đơn hàng tăng 72% trong 6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, lượng đơn hàng ở Hà Nội tăng hơn 3 lần.
Người dùng cũng có xu hướng đặt các đơn hàng với tổng giá trị cao hơn. Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá trị trung bình mỗi đơn hàng trên GoFood tăng 23% so với 6 tháng đầu năm 2021.
Tương ứng với tốc độ tăng trưởng số lượng người dùng và giá trị đơn hàng, doanh thu trung bình theo tháng của các cửa hàng hoạt động trên GoFood của Gojek cũng tăng cao đáng kể trong 6 tháng đầu năm 2022. Cụ thể, doanh thu trung bình của các đối tác GoFood tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021, trong đó các cửa hàng ở Hà Nội ghi nhận mức bứt phá gần 5 lần, còn ở TP.HCM là hơn 2 lần.
Số lượng các nhà bán hàng tham gia nền tảng đặt đồ ăn trực tuyến GoFood của Gojek tiếp tục tăng trưởng ổn định kể từ khi TP.HCM và Hà Nội nới lỏng các quy định về giãn cách. Trong 6 tháng đầu năm 2022, số lượng nhà bán hàng hoạt động trên GoFood tăng 83% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng trong tháng 6, số cửa hàng mới lên nền tảng tăng 21% so với tháng liền trước, và tăng 31% so với trung bình 3 tháng đầu năm 2022.
Báo cáo cũng cập nhật số liệu cho thấy, Gojek hiện đang kết nối hơn 200.000 đối tác tài xế xe 2 bánh và hàng chục nghìn nhà hàng với hàng triệu người dùng tại Việt Nam.
Còn theo một báo cáo của nền tảng thanh toán không tiền mặt Payoo, quý II/2022 đã ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể trong ngành F&B nhờ hưởng lợi từ du lịch trở lại và người dân mạnh dạn đi ăn ngoài. Cụ thể, ngành thực phẩm và đồ uống có mức tăng 61% về số lượng và 41% về giá trị giao dịch so với quý I/2022. Cũng theo báo cáo của Payoo dựa trên những nơi sử dụng nền tảng này, thanh toán bằng thẻ quốc tế là hình thức thanh toán chủ đạo khi chiếm đến 64% về số lượng và 77% về giá trị. Thẻ nội địa tương ứng là 21% và 17%, riêng mã QR là 15% và 6%. |