Thông tin được Thứ trưởng Phạm Đức Long chia sẻ tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ Khoa học và Công nghệ, sáng 15/7. Theo Thứ trưởng, Việt Nam sẽ cấp phép và triển khai thí điểm có kiểm soát dịch vụ viễn thông sử dụng vệ tinh quỹ đạo tầm thấp (LEO) cho doanh nghiệp.
"Bộ Khoa học và Công nghệ đặt mục tiêu ngay sau khi doanh nghiệp hoàn tất thủ tục đầu tư, thành lập pháp nhân tại Việt Nam, sẽ được cấp phép để có thể chính thức triển khai dịch vụ trong quý IV", ông Long nói.
SpaceX hiện là doanh nghiệp gần nhất trong việc cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh. Công ty này sở hữu Starlink, hệ thống Internet vệ tinh quỹ đạo thấp, với 6.750 vệ tinh bay ở độ cao 550 km. Dịch vụ đã có mặt tại hơn 125 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 5 triệu người dùng.
Do vệ tinh quỹ đạo thấp bay ở độ cao 550 km, thấp hơn nhiều so với vệ tinh địa tĩnh - 35.000 km. Khoảng cách này giúp dịch vụ Internet vệ tinh giảm độ trễ, mang lại tốc độ truyền dữ liệu tốt hơn so với Internet vệ tinh truyền thống.
Trong lần cung cấp thử nghiệm giới hạn tại Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam, năm 2023, Starlink cho tốc độ tải về đạt khoảng 150-190 Mbps. Internet di động tại Việt Nam hiện có tốc độ trung bình đường xuống đạt 146 Mbps, theo Ookla. Trong khi đó, Internet cố định trung bình đạt 203 Mbps.
Hồi tháng 4, SpaceX đã nhận giấy phép triển khai thí điểm dịch vụ Internet vệ tinh từ Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc. Doanh nghiệp này được cho là đang tiến hành đặt trạm cổng mặt đất (trạm Gateway) tại Đà Nẵng để đảm bảo các yêu cầu thiết lập dịch vụ tại Việt Nam.
Tại họp báo tháng 6 của Bộ Khoa học và Công nghệ, trả lời câu hỏi về tiến độ triển khai của Starlink, ông Nguyễn Anh Cương, Phó Cục trưởng Viễn thông cho hay: "SpaceX đang thực hiện các thủ tục thành lập doanh nghiệp, đăng ký đầu tư với Bộ Tài chính. Sau khi hoàn tất các thủ tục, bước tiếp theo, công ty này sẽ cần xin giấy phép về viễn thông".
Khi quá trình hoàn tất, Việt Nam sẽ là quốc gia thứ năm tại Đông Nam Á có Internet vệ tinh Starlink, sau Philippines, Malaysia, Indonesia và Timor Leste. Theo chuyên gia Đoàn Quang Hoan, Phó chủ tịch Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam, nguyên Cục trưởng Tần số vô tuyến điện, Internet vệ tinh có thể nhanh chóng phủ toàn bộ vùng lõm sóng tại Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Hoan đánh giá sự xuất hiện của dịch vụ Internet vệ tinh sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến thị trường viễn thông trong nước, do tỷ lệ vùng lõm sóng hiện còn rất nhỏ, chủ yếu tại vùng núi, hải đảo, những nơi không có điện lưới.