Ngay sau khi Galaxy Note10 ra mắt, nguồn tin chuyên rò rỉ trong thế giới công nghệ là evleaks đã tung ra một thông tin rất đáng chú ý: sang năm 2020, Samsung có thể sẽ nhập hai dòng Galaxy S và Note vào làm một để phát hành trong nửa đầu năm. Trong nửa cuối năm, vũ khí chủ lực của Samsung để chống lại iPhone sẽ là một chiếc điện thoại màn hình gập – rất có thể là phiên bản hoàn thiện của Galaxy Fold ra mắt năm nay.
Tại sao Samsung lại có thể (và nên) thực hiện bước đi này? Lý do là iPhone.
Để đối đầu nhau trong cuộc chiến nâng cấp vô cùng gay gắt, danh mục giá của các nhà sản xuất đang ngày càng rối loạn. Nhưng những năm trước đây thì không như vậy: trong suốt 1 thời gian dài, Apple bán iPhone mới ở mức giá 650 USD. Năm 2014, danh mục iPhone được chia làm 2 (mẫu "thường" và mẫu Plus), khung giá khởi điểm cho iPhone rơi vào múc 650 – 750 USD. Khi định giá đầu bảng, Samsung cùng các hang Android khác cũng thường bám theo khung giá này.
Ví dụ, ở phía dưới là khung giá iPhone và Galaxy S trong vòng 4 năm, từ cuối 2014 đến đầu 2018. Cho đến iPhone 7, mức giá khởi điểm cho iPhone không biến động nhiều – và Galaxy S cũng vậy.
Sự kiện ra mắt iPhone X vào tháng 9 năm 2017 đã thay đổi tất cả. Dựa vào thiết kế hoàn toàn mới, Apple đã chạm chân đến khung giá nghìn đô. Những tưởng khung giá này sẽ khiến cho người dùng ghẻ lạnh nhưng sự thật đã diễn ra hoàn toàn ngược lại: từ khi lên kệ cho tới khi bị thay thế bởi iPhone XS, iPhone X liên tục giữ vững ngôi vị smartphone bán chạy nhất thế giới. Với tổng doanh số 60 triệu máy, iPhone X mang về cho Apple ít nhất là 60 tỷ USD, chứng minh với cả thế giới rằng "đắt không đồng nghĩa với ế" và giúp cho trị giá Apple chính thức chạm mốc nghìn tỷ vào tháng 8/2018.
Sự xuất hiện của iPhone X đã tạo ra một bài toán khó cho Samsung. Trong vòng nhiều năm, các mẫu Samsung đầu bảng như Galaxy S, Galaxy S edge hay Galaxy Note đã luôn được coi là ngang hàng với iPhone. Tất cả các mẫu Samsung này cũng luôn ra mắt ở khung giá tương đương với iPhone "thường" và iPhone Plus. Trong con mắt của người tiêu dùng, chúng là đối thủ trực tiếp của nhau.
Nhưng khi ra mắt iPhone 8 và iPhone 8 Plus ở khung giá tương đương như cũ – và khi iPhone X cực kỳ thành công, Apple đã tạo ra một hiệu ứng marketing đáng sợ: iPhone X trở thành sản phẩm đứng trên khung đầu bảng "thường". Nghe có vẻ khó tin, nhưng giá cao đã thực sự khiến người dùng đặt iPhone X vào đẳng cấp khác so với iPhone 8 (và Galaxy S8). iPhone X bán được 60 triệu chiếc trong một năm, còn Galaxy S8 và S8+ được ước tính vào khoảng 41 triệu máy.
Samsung phải có câu trả lời, bởi mức giá rẻ hơn sẽ đi kèm rủi ro các mẫu Galaxy S và Note bị người dùng phổ thông đánh giá "dưới tầm" iPhone. Và đó là một câu trả lời khá gượng gạo: nâng giá Galaxy S và Galaxy Note cho ngang tầm iPhone X. Dưới đây là biểu đồ cho thấy sự thay đổi khung giá của Galaxy S kể từ thời Galaxy S6 (giá bản unlocked bán ra tại Mỹ).
Và đây là iPhone trong 5 năm qua. Hãy để ý rằng Apple đã tạo ra một phân khúc iPhone mới (X, XS, 11 Pro xanh đậm và xanh đen) bên cạnh phân khúc thường (7/8 Plus, XR, 11), còn Samsung thì chỉ nâng giá cho dòng sản phẩm cũ.
Bạn có thấy vấn đề của Samsung? Apple vẫn đang có dòng sản phẩm giá "đẹp" ở mức 600 – 800 USD để cạnh tranh. Và Apple có thể viện cớ rằng họ đã tạo ra dòng sản phẩm mới để thuyết phục iFan bỏ ra nghìn đô mua điện thoại, thay vì bỏ ra 600 – 800 USD như trước đây. Còn tín đồ Galaxy S chắc hẳn đã nhận ra, vẫn là Galaxy S, khoản tiền họ bỏ ra thực chất đã tăng dần qua từng năm.
Điều tương tự xảy ra với Galaxy Note:
Không khó để nhận ra vì sao cách làm này không có lợi cho Samsung. Mặc dù gã khổng lồ Hàn Quốc tìm cách đối phó bằng cách tung "cơn mưa quà tặng", vẫn cùng là một dòng sản phẩm, người dùng nào sẽ thấy vừa lòng khi phải bỏ thêm tiền? 6 tháng đầu năm nay, trong phân khúc giá trên 800 USD chỉ có duy nhất iPhone XS Max lọt top 10 smartphone bán chạy. Điều đó cho thấy ngay cả khi tạo ra một phân khúc giá hoàn toàn mới – và đắt đỏ hơn trước kia rất nhiều, Tim Cook vẫn được lòng người dùng.
Cũng cần phải chỉ ra rằng Samsung không phải là không có biện pháp thích nghi, nhưng vẫn chưa được "cao tay" như Tim Cook. Đầu năm, Samsung vén màn Galaxy S10e ở mức giá ngang ngửa iPhone XR. Tín đồ Samsung yêu thích giá chắc chắn sẽ thích điều này, nhưng cần nhớ rằng mức giá dành cho S10e năm nay lại là mức giá dành cho năm ngoái. Việc phân tách Note ra làm Note10 "thường" và Note10+ cũng khiến một số fan tức giận: dòng Note mọi năm vốn đã luôn phải mang trong mình những gì tốt nhất chứ không phải là có sự phân cách về tính năng và cấu hình như năm nay.
Galaxy Fold chính là thứ Samsung cần nhất vào lúc này. Samsung thực sự cần một dòng sản phẩm mới, tách biệt hẳn so với những gì Samsung vốn đã có từ thời iPhone nghìn đô chưa tồn tại. iPhone X vốn đã ra đời để đứng trên Galaxy S và Note, nay Samsung cần tạo ra một chiếc smartphone được người dùng coi là đối thủ thực thụ (hoặc đứng trên) iPhone X.
Trong nhiều năm qua, dù Note là cây bài chủ lực cuối năm, dù Note là dòng sản phẩm tốt nhất (và đắt nhất) của Samsung, sự khác biệt giữa S Plus và Note thực chất chỉ nằm ở cây bút S Pen. Bởi thế Note cũng mất rất nhiều sức cạnh tranh trước S khi ra mắt vào cuối năm. Khi dòng Note nhường lại vị trí "đầu bảng số 1" cho Galaxy Fold vào cuối năm, Samsung sẽ có một mũi nhọn cạnh tranh thực sự cùng iPhone. Phát hành ở thời điểm đầu năm cách xa iPhone, dòng S và Note cũng sẽ kích thích được doanh số.
Các hãng Android khác chắc hẳn đã nhận ra điều tương tự. Và thế là, bên cạnh những mẫu đầu bảng "thường", họ bắt đầu tung ra những ý tưởng vô cùng sáng tạo, đi kèm với khung giá ngày một cao hơn. 2 anh em OPPO và Vivo nay cũng đã có sản phẩm giá 700, 800 USD (Nex, Reno), vốn là khung giá trước đây nhà BKK chưa bao giờ nghĩ đến. Đáng chú ý hơn, 2 ông lớn khác của Trung Quốc đã gây sốc khi tung ra Mate X giá 2600 USD, Mi Mix Alpha giá 2800 USD...
Tất cả đều là những mức giá hoang tưởng không kém gì Galaxy Fold, nhưng có lẽ người dùng hoàn toàn có thể chờ đợi rằng, khi đã hoàn thiện công nghệ, Samsung, Huawei và Xiaomi sẽ tạo ra những sản phẩm chính thống hơn để ĐÁNH trực diện vào khung giá nghìn đô, vốn vẫn đang là trái ngọt của riêng nhà Táo.