Những dấu hiệu của điện thoại đã bị hacker tấn công

Khi rơi vào tầm ngắm của các tin tặc, điện thoại di động sẽ là mục tiêu hàng đầu. Đây là những dấu hiệu cho thấy bạn đang bị hack.

Điện thoại bị tin tặc tấn công là một vấn đề nghiêm trọng có thể gây ra nhiều hậu quả, từ mất tiền, mất thông tin cá nhân đến thậm chí là bị đe dọa an ninh. Do đó, việc nhận biết điện thoại bị hack là rất quan trọng để có thể kịp thời xử lý và bảo vệ dữ liệu của bạn.

Điện thoại hao pin và giật lag

Việc điện thoại thông minh bị xâm nhập bởi phần mềm độc hại khiến cho tình trạng pin bị suy giảm. Nguyên nhân đến từ việc chúng chạy ngầm và liên tục lợi dụng tài nguyên của thiết bị để thực hiện các hành vi độc hại.

Bên cạnh đó, tình trạng máy bị giật lag gây ra do sự quá tải tài nguyên hoặc xung đột với các ứng dụng độc hại. Người dùng cũng có thể gặp phải tình trạng ứng dụng vẫn chạy nền mặc dù đã thử tắt chúng, hoặc điện thoại bị sập nguồn hoặc khởi động lại nhiều lần.

Xuất hiện cuộc gọi và tin nhắn đến số lạ

Nếu thấy trong lịch sử cuộc gọi và tin nhắn có sự xuất hiện của các số lạ, cần đặc biệt cảnh giác vì đây có thể là các đầu số nước ngoài để đánh cắp cước viễn thông, hoặc các phần mềm độc hại đã âm thầm bắt buộc thiết bị liên hệ với bên ngoài.

Dữ liệu Wi-Fi/3G/4G tiêu hao bất thường

Một dấu hiệu khác là dung lượng Wi-Fi, 3G/4G sẽ bị tiêu tốn rất nhiều. Ngoài ra, băng thông thường xuyên bị nghẽn, quá trình lướt web thường bị chậm hơn.

Cửa sổ bật lên không rõ danh tính

Mặc dù không phải tất cả các cửa sổ bật lên đều có nghĩa là điện thoại đã bị tấn công, nhưng các cảnh báo bật lên liên tục có thể là do điện thoại bị nhiễm phần mềm quảng cáo độc hại (adware). Chúng có khả năng chứa nhiều liên kết lừa đảo, cố gắng khiến người dùng nhập thông tin nhạy cảm hoặc tải xuống thêm phần mềm độc hại.

Những dấu hiệu của điện thoại đã bị hacker tấn công - 2

Cần làm gì khi điện thoại bị hack?

Nếu có nghi ngờ điện thoại bị hack, người dùng cần khôi phục cài đặt gốc trên điện thoại để đảm bảo an toàn. Đối với các biện pháp phòng ngừa:

Trên Android, nên sử dụng ứng dụng chống và diệt phần mềm độc hại, cung cấp khả năng chặn cuộc gọi, tường lửa, VPN và tính năng yêu cầu mã PIN mỗi khi sử dụng một số ứng dụng nhất định. Điều này sẽ giúp ngăn phần mềm độc hại mở các ứng dụng nhạy cảm như ngân hàng trực tuyến.

Trên iPhone, không nên bẻ khóa (jailbreak) thiết bị, vì điều này sẽ phá hỏng khả năng bảo mật chặt chẽ của iOS, từ đó khiến người dùng dễ dàng bị tấn công.