Nitendo hồi sinh ký ức điện tử 4 nút của 20 năm trước: Vẹn nguyên như ngày đầu

Mở hộp Nintendo Super Famicom Classic Mini – máy điện tử 4 nút vừa được công bố trong năm nay của Nitendo, những ký ức tuổi thơ không những vẫn còn nguyên vẹn với thiết kế gần gũi mà còn bắt mắt hơn.

Quay ngược thời gian khoảng hơn 1 năm trước, Nintendo đã khuấy động thị trường console trên toàn thế giới khi công bố chiếc máy bộ đôi NES và Famicom Classic Mini. Không những giữ được thiết kế cổ điển, những chiếc máy điện tử 2 nút phiên bản “retro” này còn có kích thước cực kì nhỏ gọn đồng thời tích hợp cổng HDMI để phù hợp với các thiết bị hiển thị đời mới hay vì RCA. NES và Famicom Classic Mini đã luôn trong tình trạng cháy hàng và thành công của bộ đôi này là ngoài sức tưởng tượng của Nintendo bất chấp việc Famicom (phiên bản dành riêng cho thị trường Nhật) bị chê tả tơi do kích thước tay cầm quá nhỏ.

Tiếp nối thành công của NES và Famicom Classic Mini, năm nay Nintendo lại tiếp tục công bố bộ đôi SNES và Super Famicom Classic Mini hay còn gọi là điện tử 4 nút. Tại thị trường Singapore nơi tôi đang học tập và làm việc, bạn có thể dễ dàng mua được cả 2 phiên bản SNES và Super Famicom nhờ lượng cung dồi dào từ Nintendo (chắc đã rút kinh nghiệm từ năm ngoái). Như chúng ta đã biết thì Super Famicom là phiên bản dành riêng cho thị trường Nhật nên giao diện cũng bắt buộc phải sử dụng thứ tiếng của xứ mặt trời mọc. Tuy nhiên, với thiết kế không những gần gũi với kí ức tuổi thơ mà còn bắt mắt hơn, tôi vẫn quyết định đánh đổi chút bất tiện để đầu tư một chiếc Super Famicom Classic Mini về.

Phần vỏ hộp được in hoàn toàn bằng tiếng nhật với hình vẽ minh họa của chiếc Super Famicom cũng như logo 4 màu xanh lá, xanh dương, đỏ, vàng trứ danh. 4 cạnh hộp cũng có màu nền tương ứng. Phía sau là 21 tựa game được tích hợp sẵn với tựa đề bằng tiếng Nhật.

Bên trong hộp vẫn là các phụ kiện quên thuộc tương tự những chiếc NES hay Famicom phát hành vào năm ngoái. Phía dưới sách hướng dẫn là chiếc console cùng 2 tay cầm, cáp microUSB để cấp nguồn và dây HDMI được sắp xếp hết sức gọn gàng. Việc không trang bị adapter nguồn thực tế cũng không quá quan trọng bởi bạn hoàn toàn có thể lấy nguồn từ cổng USB trên TV. Với yêu cầu nguồn 5V, bạn hoàn toàn có thể sử dụng các cục sạc smartphone để thay thế. Thực tế, tại một số thị trường như Canada, người mua vẫn được trang bị cả cục nguồn 5V rời.

Mặt trên của máy vẫn là nút gạt nguồn on/off quen thuộc cũng như nút Reset để trở về màn hình menu (thay vì reset máy trên phiên bản gốc). Tiếc là nút Eject cũng như khe cắm băng chỉ có tác dụng trang trí bởi mọi thứ đã được tích hợp sẵn bên trong. Phía sau máy chỉ còn 1 cổng HDMI và cổng nguồn microUSB.

Kích thước hết sức “mini” của chiếc console khi có thể cầm gọn gàng trên tay

Thoạt đầu tôi đã tưởng rằng chuẩn kết nối 7 chân vẫn được giữ nguyên nhưng không, Nintendo đã thay thế nó bằng chuẩn cắm đời mới với chân tiếp xúc y hệt thế hệ NES/Famicom Classic Mini tiền nhiệm.

Phần tay cầm cũng được giữ nguyên thiết kế nguyên bản với D-pad, 4 nút A B X Y theo 4 màu truyền thống, 2 nút vai và Select, Start. Một điểm trừ là độ dài tay cầm vẫn chỉ ở mức 1m khiến việc ngồi chơi game sẽ khó khăn hơn do được sử dụng trên những chiếc TV LCD đời mới có kích thước từ 40 inch trở lên. Hơn 20 năm trước màn hình TV chỉ 15 inch thì ngồi sát còn được chứ giờ 40-50 inch không mỏi cổ cũng toét mắt.

Rút kinh nghiệm từ Famicom Classic Mini, Nintendo đã giữ nguyên kích thước tay cầm. Có thể nó không “công thái học” như những chiếc tay cầm Xbox One, PlayStation 4 đời mới nhưng chắc chắn bạn sẽ có một cảm giác tuổi thơ ùa về khi cầm trên tay. Cảm giác bấm cũng y nguyên, cứ ngỡ “như chưa từng có cuộc chia ly”.

Ngoài ra, dù chỉ tích hợp 21 tựa game, bạn vẫn hoàn toàn có thể lên mạng tìm hiểu một số công cụ được các fan hâm mộ Nintendo viết để cài thêm vào bộ nhớ máy. Bởi vậy, nếu có nhu cầu chơi những tựa game như Batman, Ninja rùa thì hãy cứ tự tin đầu tư một chiếc Super Famicom Classic Mini hay SNES bởi dung lượng trống của bộ nhớ trong lên tới gần 300MB chắc chắn thừa đủ chỗ cho bạn nhét nửa bộ sưu tập ROM của mình lên máy.

Quả thực, khi thị trường tràn ngập những tựa game AAA với đồ họa siêu khủng, những chiếc máy điện tử 4 nút “retro” thế này vẫn luôn mang lại cho người ta một cảm giác thư thái hơn hẳn. À cũng chưa chắc là thư thái lắm vì mấy game dạng như Prince of Persia đâu có dễ gì cho lắm, chết một cái là chơi lại từ đầu màn chứ nào có khái niệm về check point. Thế nhưng những cái cảm giác cay cú đấy mới là những thứ để ta nhớ về một thời tuổi thơ.

Theo Trí Thức Trẻ