Thị trường ổ SSD đang chứng kiến một sự chuyển mình mạnh mẽ khi các nhà sản xuất quyết định ngừng cung cấp các sản phẩm PCIe Gen3 M.2 cho khách hàng doanh nghiệp. Đây là dấu hiệu cho thấy chuẩn công nghệ đã tồn tại từ năm 2010 đang dần đi vào quên lãng nhằm nhường chỗ cho các chuẩn mới hơn và nhanh hơn.
Các báo cáo cho thấy, nhu cầu về tốc độ truyền dữ liệu cao hơn đã trở thành yêu cầu thiết yếu trong ngành công nghiệp máy chủ. Các ổ SSD PCIe Gen4 (ra mắt lần đầu tiên vào năm 2017) đã tăng gấp đôi tốc độ truyền dữ liệu so với Gen3, từ 8 GT/s lên 16 GT/s. Điều này đã khiến nhiều nhà sản xuất chuyển hoàn toàn sang sản xuất SSD PCIe Gen4, trong khi các bo mạch chủ hiện đại gần như không còn hỗ trợ giao diện PCIe Gen3.
Đáng chú ý, giao diện PCIe Gen5 đang ngày càng trở nên phổ biến nhờ khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về tốc độ truyền dữ liệu trong cả thị trường PC và máy chủ. Các công ty hiện phải cung cấp tốc độ truyền cực cao để đảm bảo hiệu suất tối ưu cho khách hàng, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt.
Sự biến mất của SSD PCIe Gen3 M.2 trên thị trường ngày càng thể hiện rõ khi mà hầu hết các nhà sản xuất không phát hành dòng Gen3, thay vào đó chủ yếu tập trung vào các dòng sản phẩm Gen4 và Gen5.
Các ổ SSD Gen5 mang đến nhiều ưu việt hơn.
Không dừng lại ở đó, các nhà sản xuất bo mạch chủ cũng đã nhanh chóng chuyển sang cung cấp cổng SSD PCIe Gen4 M.2 với tốc độ đọc/ghi tuần tự có thể đạt tới 14,5/13 Gbps, như trong trường hợp của Samsung PM9E1 - SSD mới nhất vừa đi vào sản xuất hàng loạt.
Những công nghệ V-NAND tiên tiến và các giải pháp lưu trữ hiện đại đang mang lại cho doanh nghiệp những lựa chọn đáng tin cậy và hiệu quả hơn nhiều so với những gì PCIe Gen3 có thể cung cấp. Vì vậy, sẽ không bất ngờ nếu SSD Gen3 sớm trở thành một phần quá khứ, nhường chỗ cho những công nghệ tiên tiến hơn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.