Chỉ cần dạo qua một vòng trên các sàn thương mại điện tử có lượng truy cập lớn tại Việt Nam như Shopee, Sendo hay Lazada, người dùng có thể dễ dàng tìm thấy những đĩa game không bản quyền được bán công khai, đi ngược lại với quy định của các sàn TMĐT.
Từ lâu nay, việc dùng game và các phần mềm không bản quyền (game crack, phần mềm crack) đã trở nên quá phổ biến tại Việt Nam. Thay vì bỏ tiền ra mua game bản quyền, một bộ phận không nhỏ game thủ Việt vẫn giữ ‘thói quen’ chờ đợi bản crack game được tung ra bởi các nhóm hacker nổi tiếng để có thể thưởng thức game một cách miễn phí.
Còn nhớ vào thời điểm cách đây khoảng hơn chục năm, những cửa hàng bán game và phần mềm không bản quyền xuất hiện nhan nhản tại Việt Nam. Khi ghé thăm những cửa hàng dọc con phố Lê Thanh Nghị (Hà Nội) hay Bùi Thị Xuân (TP.HCM), chỉ với vài chục nghìn đồng, game thủ Việt vào thời điểm đó đã có thể mua những tựa game mới nhất chỉ vừa mới ra mắt.
Thúy Vy - một trong những cửa hàng bán đĩa game crack nổi tiếng tại TP.HCM vào đầu những năm 2000 đã đóng cửa vào năm 2017
Tuy nhiên, khi đĩa CD/DVD dần bị mai một, game online lên ngôi, hay việc tốc độ Internet cải thiện đáng kể theo từng năm, các hộ kinh doanh kiểu này dần đóng cửa trong khoảng 5-6 năm trở lại đây.
Mặc dù vậy, việc kinh doanh đĩa game không bản quyền vẫn chưa thực sự bị ‘xóa sổ’ ở Việt Nam. Thay vì bày bán tại cửa hàng như trước đây, mô hình kinh doanh hiện tại đã chuyển dịch sang các sàn thương mại điện tử.
Game lậu tràn lan trên các sàn thương mại điện tử với giá bán siêu rẻ
Trong vài năm trở lại đây, phần lớn cộng đồng chơi game không bản quyền tại Việt Nam đều lựa chọn hình thức tải game qua mạng, khi tốc độ Internet đang dần cải thiện qua từng năm. Thậm chí, các bộ máy tính được lắp mới trong thời điểm 2019 gần như không còn trang bị ổ đĩa quang như nhiều năm trước.
Mặc dù vậy, vẫn có một số lượng không nhỏ game thủ vẫn ưa thích việc cài đặt game thông qua đĩa ‘chép’. Những người này hoặc có tốc độ truy cập Internet quá chậm, hoặc không quá rành rẽ về công nghệ, hay đơn giản là thấy tiện và nhanh hơn khi cài game bằng đĩa.
Bản crack của Resident Evil 2 hiện được bán với giá 125.000 đồng trên Sendo, rẻ hơn so với giá bán 800.000 đồng trên nền tảng phân phối game bản quyền Steam
Có cung ắt có cầu, chỉ cần dạo qua một vòng trên các sàn thương mại điện tử có lượng truy cập lớn tại Việt Nam như Shopee, Sendo hay Lazada, có thể dễ dàng tìm thấy những đĩa game không bản quyền được bán công khai. Hầu hết những tựa game này đều là game trên PC, với giá bán giao động khoảng từ 15-20.000 đồng / đĩa DVD. Với những tựa game có dung lượng lớn, giá bán khoảng từ 120.000 đồng cho một bộ khoảng 6 DVD - rẻ hơn rất nhiều so với các tựa game bản quyền.
Theo chia sẻ của anh Đức Tùng, hiện đang kinh doanh đĩa game không bản quyền trên Shopee và Lazada, doanh thu hàng ngày của cửa hàng trên tất cả các sàn khá ổn, trung bình khoảng từ 5-10 đơn hàng/ngày. Với những tựa game bom tấn mới ra mắt nhưng đã bị crack, số lượng đơn hàng có thể lên tới 15 đơn/ngày.
Bản crack của game GTA V gồm 14 đĩa DVD được bán với giá 195.000 trên Shopee
Đáng chú ý, mặc dù doanh thu bán hàng không quá cao như những mặt hàng khác, tuy nhiên việc bán đĩa game không bản quyền lại mang lại lợi nhuận rất tốt, trong khi không mất quá nhiều công sức, theo chia sẻ của chủ shop này.
Chỉ cần một đường truyền Internet tốc độ cao, một ổ đĩa quang có khả năng ghi DVD, cùng các đĩa DVD trắng có giá nhập khoảng 3000-4000 đồng/đĩa, các shop bán game không bản quyền sẽ thu về mức lãi khoảng 16-18.000 đồng/đĩa. Tất nhiên, game có dung lượng càng lớn, số đĩa cài đặt càng nhiều, lợi nhuận trên mỗi đơn hàng sẽ càng lớn. Đó là chưa kể đến, việc bán đĩa thông qua các sàn thương mại điện tử cũng giúp các cửa hàng tiết kiệm chi phí thuê cửa hàng, giúp người bán thu lời nhiều hơn.
Bán hàng vi phạm chính sách nhưng không bị sàn TMĐT xử lý?
Trước hết, có thể khẳng định, việc bán đĩa game không bản quyền lại đang vi phạm 100% chính sách bán hàng của các sàn thương mại điện tử.
Theo danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh của Sendo, sàn thương mại điện tử này ghi rõ việc cấm bán các mặt hàng vi phạm bản quyền bao gồm “hàng nhái, hàng giả, bản sao trái phép của một sản phẩm hay hiện vật mà có thể vi phạm quyền tác giả, quyền thương hiệu, hoặc các quyền sở hữu trí tuệ khác của các bên thứ ba”. Các sàn thương mại điện tử khác như Shopee hay Lazada cũng liệt kê công khai việc cấm bán các sản phẩm vi phạm bản quyền trong mục chính sách cấm/hạn chế sản phẩm.
Đáng nói, những cửa hàng bán đĩa game không bản quyền này vẫn tồn tại ngang nhiên, không hề bị các sàn TMĐT xử lý, mặc dù hành vi vi phạm là quá rõ ràng.
Chỉ cần gõ từ khóa 'game PC' trên Lazada, game thủ có thể dễ dàng đặt mua các tựa game không bản quyền trên sàn TMĐT này
Đương nhiên, sự buông lỏng quản lý việc bán đĩa game không bản quyền không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà phát hành game, mà còn trực tiếp tiếp tay cho những hành động ăn cắp bản quyền sở hữu trí tuệ để kiếm lời. Trên thực tế, chỉ khi nhận được phản hồi số lượng lớn từ phía người dùng, những sàn thương mại điện tử này mới tiến hành việc xử lý các shop vi phạm chính sách bán hàng.
Quy trình đăng ký kinh doanh trên sàn TMĐT hiện nay rất dễ dàng. Cá nhân có nhu cầu kinh doanh chỉ cần cung cấp số CMND cùng các thông tin cá nhân như tên, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng… là có thể mở gian hàng trên sàn. Trong trường hợp bị phát hiện vi phạm và bị gỡ sản phẩm, khóa tài khoản, các cá nhân có thể dễ dàng sử dụng thông tin khác để đăng ký tài khoản mới.