Một cuộc điều tra khoa học đã phát hiện ra trận lở đất và siêu sóng thần ở Greenland vào tháng 9/2023, do khủng hoảng khí hậu gây ra, đã khiến toàn bộ Trái Đất rung chuyển trong chín ngày.
Sự kiện địa chấn này được các cảm biến động đất trên toàn thế giới phát hiện, nhưng ban đầu các nhà nghiên cứu không có manh mối nào về nguyên nhân của nó. Sau khi giải mã bí ẩn, họ cho rằng điều này chứng tỏ sự nóng lên toàn cầu đã có những tác động ở quy mô hành tinh và các vụ lở đất lớn có thể xảy ra ở những nơi trước đây được cho là ổn định, khi nhiệt độ tăng nhanh chóng.
Vào ngày 16/9/2023, đỉnh núi cao 1.200 mét ở khu vực fjord Dickson, một vịnh hẹp ở phía đông Greenland, đã sụp đổ sau khi dòng sông băng bên dưới không còn đủ sức chống đỡ các vách đá. Vụ sụp đổ tạo ra một con sóng cao 200 mét, và sự xáo trộn qua lại của dòng nước trong vùng vịnh hẹp này đã truyền các sóng địa chấn trải dài ra khắp hành tinh trong hơn một tuần.
Trận lở đất và siêu sóng thần này là sự kiện đầu tiên được ghi nhận ở phía đông Greenland. Khu vực Bắc Cực đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi hiện tượng nóng lên toàn cầu, và các sự kiện tương tự, mặc dù có quy mô địa chấn nhỏ hơn, đã xảy ra ở phía tây Greenland, Alaska, Canada, Na Uy và Chile.
Tiến sĩ Kristian Svennevig từ Cục Khảo sát Địa chất Đan Mạch và Greenland, cho biết: "Khi bắt đầu nghiên cứu này, mọi người đều bối rối và không ai có một ý tưởng nào về nguyên nhân gây ra tín hiệu này. Nó kéo dài hơn và đơn giản hơn nhiều so với các tín hiệu động đất thông thường, thường chỉ kéo dài vài phút hoặc vài giờ, và được gán nhãn là 'USO' – vật thể địa chấn không xác định".
Ông nói thêm: “Đây cũng là một sự kiện phi thường vì đây là vụ lở đất và sóng thần lớn đầu tiên chúng tôi ghi nhận ở phía đông Greenland. Nó cho thấy rằng khu vực này đang trở nên dễ bị tổn thương hơn trước các vụ lở đất. Các con sóng đã phá hủy một địa điểm sinh sống bị bỏ hoang của người Inuit, đã tồn tại ít nhất 200 năm, chứng tỏ không có sự kiện nào tương tự đã xảy ra trong ít nhất hai thế kỷ”.
Nhiều túp lều tại một trạm nghiên cứu trên đảo Ella, cách vụ lở đất 70 km, đã bị phá hủy. Trạm này được thành lập bởi các thợ săn và các nhà thám hiểm từ hai thế kỷ trước, và hiện đang được sử dụng bởi các nhà khoa học và quân đội Đan Mạch, nhưng may mắn là khu trạm đã bị bỏ trống và không có người vào thời điểm sóng thần xảy ra.
Vịnh hẹp này cũng nằm trên tuyến đường thường được sử dụng bởi các tàu du lịch, và một chiếc tàu chở 200 người đã bị mắc kẹt trong bùn ở Alpefjord, gần fjord Dickson, vào tháng 9 năm ngoái. Con tàu đã được giải cứu chỉ hai ngày trước khi sóng thần ập đến, tránh được thảm họa ước tính cao từ bốn đến sáu mét.
Svennevig chia sẻ: “Thật là may mắn khi không có thiệt hại về người. Chúng tôi đang đối mặt với những thách thức khoa học chưa từng có vì chúng tôi không thực sự biết được hậu quả khi một cơn sóng thần đánh vào một con tàu du lịch”.
Tiến sĩ Stephen Hicks tại Đại học College London, một trong những người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết: “Khi lần đầu tiên tôi nhìn thấy tín hiệu địa chấn, tôi hoàn toàn bối rối. Chưa bao giờ có một sóng địa chấn kéo dài và lan rộng toàn cầu với tần số dao động duy nhất như vậy được ghi nhận trước đây”.
Tín hiệu này khác hoàn toàn với những tiếng rung và âm vang đa tần số từ động đất. Để giải mã bí ẩn, cần tới sự kết hợp của 68 nhà khoa học từ 40 tổ chức tại 15 quốc gia, với dữ liệu địa chấn, đo lường thực địa, hình ảnh vệ tinh và mô phỏng máy tính có độ phân giải cao về sóng thần.
Phân tích được công bố trên tạp chí Science, ước tính khoảng 25 triệu mét khối đá và băng đã đổ xuống vịnh và khiến lớp địa chất di chuyển ít nhất 2.200 mét. Hướng của vụ lở đất vuông góc với chiều dài của vịnh, cùng với các bức tường dốc và khúc quanh 90 độ, đã giúp giữ phần lớn năng lượng của trận lở đất trong vịnh, làm nó cộng hưởng lâu hơn.
Mặc dù sóng thần đã giảm xuống còn bảy mét trong vài phút, các nhà nghiên cứu cho rằng sự chấn động của khối lượng nước lớn này vẫn tiếp tục truyền sóng địa chấn ra khắp thế giới trong nhiều ngày sau đó.
Một điều may mắn là các cảm biến đo độ sâu nước đã được các nhà khoa học thiết lập ở vịnh này hai tuần trước khi vụ lở đất xảy ra. “Đó là sự may mắn”, Svennevig nói. “Chúng tôi thám hiểm bên dưới dòng sông băng và các ngọn núi, mà không hề biết nó sắp sụp đổ”.
Phần quan trọng của việc xác định nguyên nhân của sự kiện địa chấn này là mô hình hóa sóng thần và so sánh với các phép đo. "Mô hình của chúng tôi dự đoán được dao động với chu kỳ chính xác là 90 giây, cũng như chiều cao của sóng thần và sự suy giảm của các sóng địa chấn,” Svennevig chia sẻ.
Giáo sư Anne Mangeney, một nhà mô hình hóa về hiện tượng sạt lở đất tại Viện Vật lý Địa cầu Paris ở Pháp, cho biết: “Trận sóng thần kéo dài này đã thách thức các mô hình truyền thống mà chúng tôi trước đây chỉ sử dụng để mô phỏng sự lan truyền sóng thần trong vài giờ. Điều này mở ra những hướng đi mới cho việc mô hình hóa sóng thần”.
Những hiện tượng tương tự sẽ trở nên phổ biến hơn khi nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng. “Điều đáng nói hơn cả, lần đầu tiên chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng sự kiện này, do biến đổi khí hậu gây ra, đã tạo ra sự rung động ở khắp nơi trên toàn cầu”, Mangeney nói.