1. Thủ đoạn lừa đảo cần cảnh giác: C huyển tiền nhầm tài khoản ngân hàng
Đến nay, giả chuyển khoản nhầm để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn là một trong những chiêu trò lừa đảo vô cùng tinh vi.
Thủ đoạn của các đối tượng xấu là đối tượng lừa đảo chuyển tiền cho người bị hại, sau đó liên hệ giới thiệu mình đang sống tại nước ngoài và muốn được nhận lại số tiền đã chuyển khoản nhầm.
Để trả lại số tiền, người nhận tiền chuyển nhầm phải sử dụng dịch vụ chuyển tiền quốc tế qua một đường link. Không ngờ, sau khi điền xong thông tin, số tiền trong tài khoản của người nhận đã bị rút sạch.
Ngoài ra, còn có trường hợp cố ý chuyển nhầm tiền vào tài khoản của người nào đó. Sau khi bên kia nhận được tiền, đối tượng sẽ giả danh là người thu hồi nợ của một công ty tài chính để liên hệ, dọa nạt và yêu cầu họ trả lại số tiền đã nhận như một khoản vay cùng với số lãi cắt cổ.
Bên cạnh đó, còn nhiều thủ đoạn khác nhằm lừa đảo người dùng dưới hình thức "chuyển khoản nhầm". Kịch bản lừa đảo chuyển tiền nhầm tài khoản ngân hàng vô cùng khó đoán. Đồng thời, đánh thẳng vào lòng tốt của nạn nhân là những người nhẹ dạ, cả tin, khiến họ rất dễ mắc bẫy.
2. Phải làm gì để không dính bẫy lừa đảo "nhận tiền chuyển khoản nhầm"?
Khi nhận được tiền chuyển khoản nhầm, người nhận cần lưu ý không sử dụng số tiền ấy vào việc chi tiêu cá nhân và chỉ làm việc với ngân hàng để trả lại tiền cho người chuyển nhầm, tuyệt đối không chuyển lại tiền cho người lạ khi không có bên thứ ba làm chứng.
Mọi người có thể chủ động liên hệ với ngân hàng để thông báo về việc nhận tiền chuyển nhầm hoặc đợi đại diện ngân hàng liên hệ làm việc.
Nếu nhận được điện thoại từ ngân hàng, cần kiểm tra xem đó có đúng là số điện thoại của ngân hàng hay không. Để chắc chắn hơn, chủ tài khoản vẫn nên đến ngân hàng làm việc trực tiếp.
Trường hợp khoản tiền chuyển nhầm có giá trị nhỏ thì chủ tài khoản có thể yêu cầu ngân hàng cung cấp sao kê rồi đối chiếu với những thông tin nhận được và tiến hành chuyển lại.
Còn đối với số tiền lớn, chủ tài khoản nên sắp xếp thời gian đến trực tiếp chi nhánh ngân hàng để thực hiện việc xác minh hay thậm chí là liên hệ với cơ quan công an để giải quyết.
Tuyệt đối không cung cấp thông tin bảo mật như: Mật khẩu truy cập tài khoản, Mật khẩu giao dịch một lần (OTP) cho bất cứ ai (kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng) và dưới bất cứ hình thức nào và cảnh giác với các yêu cầu truy cập đường link website, đăng nhập, cung cấp thông tin tài khoản, thông tin cá nhân.
3. Tiêu tiền người khác chuyển khoản nhầm có bị phạt hay không?
Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, việc không trả lại số tiền bị chuyển nhầm sẽ bị coi là chiếm hữu tài sản của người khác không có căn cứ pháp luật.
Trong đó, Điều 579 Bộ luật Dân sự nêu rõ, người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy, khi được người khác chuyển nhầm tiền vào tài khoản, người nhận nên liên hệ với ngân hàng để giải quyết để tránh vi phạm pháp luật.
Nếu số tiền bị chiếm giữ trái phép dưới 10 triệu đồng, người thực hiện vi phạm sẽ bị phạt hành chính từ 02 - 05 triệu đồng (theo điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ).
Nếu số tiền bị chiếm giữ trái phép trên 10 triệu đồng, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chiếm giữ trái phép tài sản quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.
Theo đó, nếu sử dụng, chiếm đoạt số tiền từ 10 - 200 triệu đồng do được người khác chuyển nhầm, người thực hiện sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Nếu chiếm đoạt số tiền trên 200 triệu do người khác chuyển nhầm, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 1 - 5 năm.