Qualcomm sở hữu 130.000 bản quyền trong ngành viễn thông di động và IoT

Thông tin được ông Thiều Phương Nam - Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia chia sẻ với báo giới vào sáng ngày 25/1.

Đại diện Qualcomm cho biết, là một công ty công nghệ, Qualcomm tập trung đẩy mạnh việc nghiên cứu phát triển.

Hiện nay, phát minh của Qualcomm được ứng dụng trong toàn bộ hệ sinh thái di động, bao gồm smartphone, các thiết bị IoT mà chúng ta đang sử dụng, các thiết bị về hạ tầng của viễn thông di động. Ngoài ra, các ứng dụng trên thiết bị di động cũng sử dụng bằng sáng chế của Qualcomm. Trong toàn bộ hệ sinh thái di động, công nghệ và phát minh của Qualcomm đều được ứng dụng. Qualcomm hiện nay là trung tâm nghiên cứu phát triển của cả ngành viễn thông di động.

Ông Thiều Phương Nam trình bày một số kết quả và định hướng của Qualcomm trong năm 2017, 2018 và những năm tiếp theo.

Qualcomm đã đầu tư 47 tỷ USD để phát triển công nghệ, từ những công nghệ đầu tiên như CDMA, 3G, 4G và sắp tới là 5G. Những ứng dụng này không chỉ trong các thiết bị di động mà còn mở rộng ra những lĩnh vực mới như mobile computing (laptop), sự phát triển của IoT…

Đầu tư cho phát triển công nghệ là một khoản đầu tư khá rủi ro. Ngành viễn thông di động phải mất khoảng 10 năm mới có thể thương mại hóa một nền tảng viễn thông di động mới, ví dụ như khi phát triển từ 3G, 4G và sắp tới là 5G. Trong 10 năm ấy, chúng ta có rất nhiều việc phải làm và Qualcomm làm việc với tất cả các đối tác trong hệ sinh thái di động, từ phát minh ra công nghệ đến đưa ra các tiêu chuẩn được chấp nhận bởi các tổ chức tiêu chuẩn trên thế giới. Sau đó, Qualcomm làm việc với các nhà mạng để triển khai hạ tầng mạng, kiểm tra và sau đó là các nhà sản xuất thiết bị, sản xuất ứng dụng. Khi toàn bộ hệ sinh thái di động đã sẵn sàng thì một thế hệ mới mới được thương mại hóa. Khoản đầu tư này tốn rất nhiều thời gian, trung bình là 10 năm cho một thế hệ, và Qualcomm sẵn sàng chấp nhận rủi ro để đầu tư trước. Vì thế, Qualcomm cho rằng việc bảo vệ các phát minh, sáng tạo trong ngành viễn thông di động là vô cùng quan trọng.

Qualcomm không chỉ phát minh ra công nghệ, mà Qualcomm còn làm việc với toàn bộ hệ sinh thái di động. Ví dụ như trung tâm phát triển của Qualcomm làm việc với các tổ chức chuẩn trên thế giới, các chính phủ để chuẩn bị cho một thế hệ di động mới. Trước khi thương mại hóa, Qualcomm làm việc với các nhà mạng, các nhà sản xuất, thiết bị hạ tầng để chuẩn bị, kiểm tra và xây dựng hạ tầng viễn thông di động cho thế hệ tiếp theo. Qualcomm còn làm việc với các nhà sản xuất thiết bị đầu cuối, IoT, các nhà phát triển ứng dụng…

Tại Việt Nam, để chuẩn bị cho sự ra mắt 3G cách đây gần 10 năm, Qualcomm đã phải làm việc với tất cả hệ sinh thái di động tại đây trong vòng 5 – 7 năm. Khi Việt Nam ra mắt 4G cách đây 2 năm, Qualcomm cũng làm việc với các đối tác trong hệ sinh thái di động tại Việt Nam để thương mại hóa 4G. Hiện nay, Qualcomm vẫn đang tiếp tục làm việc để thúc đẩy sự phát triển của 4G LTE tại Việt Nam.

4G vẫn đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu và đặc biệt là tại Việt Nam.Chúng ta còn rất nhiều điều phải làm để hoàn thiện 4G với tầm nhìn đưa tốc độ gigabit trên nền tảng 4G lên bằng tốc độ cáp quang. Khi cả thế giới đang chuẩn bị cho 5G thì chất lượng 4G LTE tốt sẽ là nền tảng quan trọng để Việt Nam sẵn sàng đi lên 5G. Vì vậy, phát triển 4G trong thời gian tới sẽ tiếp tục là trọng tâm và công nghệ 4G cũng đang được mở rộng ứng dụng, không chỉ cho smartphone truyền thống mà còn cho các ngành công nghiệp khác như xe tự lái.

Thế giới bắt đầu chuẩn bị cho 5G và đây cũng là thời điểm tốt để Việt Nam bắt đầu bước chuẩn bị đầu tiên, có những chiến lược và kế hoạch sắp tới.

Qualcomm dành khoảng 20% doanh số để đầu tư cho R&D, các bản quyền của Qualcomm được ứng dụng phổ biến khắp trên thế giới. Qualcomm vẫn đang đầu tư rất nhiều trong các phát minh, sáng tạo.

Số lượng bản quyền Qualcomm phát minh thêm hàng năm tăng trưởng với tốc độ 32%/năm. Đến năm 2017, Qualcomm có 70.000 bản quyền đã được cấp phép, chứng nhận bảo hộ và một số lượng tương đương các phát minh đang đợi cấp phép. Vì thế hiện nay, Qualcomm nắm giữ 130.000 bản quyền trong ngành viễn thông di động và IoT.

Đây là những sáng tạo, nền tảng công nghệ rất quan trọng để các đối tác của Qualcommphát triển sản phẩm công nghệ mới. Hiện nay đã có 4 đối tác Việt Nam tham gia vào chương trình chia sẻ bản quyền với Qualcomm để nhanh chóng sản xuất các thiết bị di động và IoT, tiết kiệm thời gian và đầu tư. 4 công ty này có quyền sử dụng tất cả những phát minh, bằng sáng chế của Qualcomm, những nguồn lực như thiết kế tham chiếu, công cụ phát triển.

Bản quyền của Qualcomm phủ rộng trong các công nghệ khác nhau, như bộ vi xử lý Snapdragon nổi tiếng. Không chỉ có CPU hay GPU, bản quyền của Qualcommcòn bao gồm tất cả công nghệ tích hợp trong mộtsmartphone, chẳng hạn như sạc nhanh Quick Charge 3.0 và sắp tới là Quick Charge 4.0, kết nối sạc không dây cho ô tô điện, các kết nối Wi-Fi, Bluetooth, những công nghệ hình ảnh, video, chụp ảnh…

Qualcomm sẽ tiếp tục phát minh ra các công nghệ, sáng tạo và chia sẻ với tất cả các đối tác trong ngành công nghiệp. Mô hình kinh doanh của Qualcomm gồm 2 bộ phận chính: bộ phận chia sẻ những bản quyền của Qualcomm cho đối tác và nội bộ. Bộ phận thứ hai là về bán dẫn, sản xuất chip, hệ thống (system) sử dụng sáng tạo của Qualcomm để cung cấp những nền tảng như thiết kế tham chiếu, công cụ phát triển cho các đối tác. Mô hình này tiếp tục phát triển rất hiệu quả và đóng vai trò quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển của cả ngành công nghiệp viễn thông di động.

Theo lời ông Nam, Việt Nam là thị trường rất quan trọng của Qualcomm. Việt Nam là quốc gia dân số trẻ, ứng dụng công nghệ đang phát triển rất mạnh mẽ với sự hỗ trợ từ phía chính phủ và hệ sinh thái di động.

"Việt Nam có rất nhiều tiềm năng. Qualcomm sẽ tiếp tục hỗ trợ hệ sinh thái di động của các nhà mạng phát triển, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4G LTE trong năm tới với tầm nhìn đưa tốc độ 4G LTE đạt đến tốc độ gigabit", đại diện Qualcomm Việt Nam nhấn mạnh.

Ông Nam cũng khẳng định rằng, mô hình hoạt động của Qualcomm tại Việt Nam cũng tương tự như mô hình hoạt động của Qualcomm trên thị trường toàn cầu. Qualcomm làm việc với toàn bộ các đối tác trong hệ sinh thái di động để thúc đẩy sự phát triển của 4G, 5G.

Qualcomm làm việc với các nhà sản xuất điện thoại tại địa phương, cũng như các nhà sản xuất điện thoại quốc tế để đưa những sản phẩm mới của họ có công nghệ Qualcomm đến với người dùng Việt Nam. Một trong những trọng tâm của Qualcomm là làm thế nào để những người đang sử dụng điện thoại phổ thông (feature phone) chuyển đổi lên 4G càng sớm càng tốt. Điều này vô cùng quan trọng với Việt Nam, nếu chúng ta muốn phổ biến công nghệ đến với người dùng nhiều hơn. Hiện nay, Việt Nam vẫn còn khoảng 40 triệu thuê bao 2G, tương đương 40 triệu điện thoại phổ thông. Sự chuyển đổi từ 2G lên 4G sẽ giúp các nhà mạng giải phóng băng tần 2G để đưa lên cho 4G, và sắp tới là 5G. Có những khó khăn cho người dùng khi chuyển đổi từ 2G lên 4G, đặc biệt là giá thành smartphone.

Do đó, Qualcomm vẫn đang làm việc để đưa những smartphone với mức giá phù hợp với người tiêu dùng thu nhập thấp tại Việt Nam. Mức giá có thể dưới 100 đô thì mọi người mới sử dụng. Một số người dùng Việt Nam hoàn toàn có thể mua được smartphone, nhưng vì thói quen sử dụng bàn phím vật lý nên không chuyển đổi. Do đó, Qualcomm cũng đưa ra nền tảng công nghệ, sản phẩm điện thoại phổ thông nhưng vẫn có 4G. Từ đó, chúng ta có thể có các điện thoại phổ thông chạy 4G với mức giá khoảng 25 USD.

Trong phần trình bày của mình, ông Nam cho rằng 4G LTE cũng khá mới tại Việt Nam, vì thế tối ưu hóa khả năng 4G của các nhà mạng cũng là một nhu cầu lớn. Các kỹ sư Qualcomm có kinh nghiệm sâu rộng trong việc tối ưu mạng 4G của các nhà mạng. Năm ngoái, các kỹ sư của Qualcomm đã ở tại Việt Nam từ 3 đến 6 tháng cùng kỹ thuật của các nhà mạng Việt Nam để tối ưu mạng 4G. Bên cạnh tối ưu và đẩy mạnh sự phát triển hạ tầng 4G. Trong năm 2018, Qualcomm cũng sẽ có những hội thảo, hội nghị chuyên đề với các nhà mạng để chia sẻ định hướng, kế hoạch cho 5G.

Một trong những chiếc lược quan trọng khác của Qualcommtại thị trường Việt Nam là hỗ trợ cho ngành công nghiệp địa phương, các công ty Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng các thiết bị di động trên toàn cầu, thông qua chia sẻ bản quyền và hỗ trợ trực tiếp.

"Vì Việt Nam đang trở thành 1 trung tâm sản xuất và thiết kế lớn của thế giới, và có rất nhiều cơ hội. Với những phát minh, sáng chế, những thiết kế tham chiếu, những công cụ phát triển, Qualcomm mong muốn giúp các công ty OEM Việt Nam thiết kế sản xuất những sản phẩm, smartphone và IoT, không chỉ tiêu thụ tại Việt Nam mà còn phát triển ra toàn thế giới", ông Thiều Phương Nam cho biết thêm.