Quý 3/2018: phát hiện 3,2 triệu mã độc Android

Hãng nghiên cứu bảo mật G Data - Đức vừa cho biết, khoảng 3,2 triệu mã độc trên các thiết bị Android đã bị các chuyên gia phát hiện trong giai đoạn quý 3 năm 2018.
Cụ thể, theo công bố mới đây của hãng G Data, tính tới cuối Qúy 3/2018, đã có khoảng 3,2 triệu mã độc bị phát hiện, tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2017. G Data ước tính, đến hết năm 2018, số lượng mã độc Android bị phát hiện có thể lên tới con số hơn 4 triệu.
 
Các chuyên gia bảo mật tại G Data cũng cho biết, tội phạm mạng ngày càng tập trung vào các thiết bị di động, đặc biệt là người dùng hệ điều hành Android. Cũng bởi hiện nay cứ 10 người trên thế giới dùng smartphone thì có tới 8 người sử dụng smartphone Android, vì sự phổ biến và giá bán hấp dẫn của các thiết bị chạy hệ điều hành này.
Số lượng mã độc Android bị phát hiện qua từng năm theo thống kê của G Data.
Tuy nhiên, do Android là hệ điều hành mở và đem tới cơ hội tiếp cận sâu vào hệ thống cho tất cả mọi người, nên Android dễ dàng trở thành mục tiêu tấn công của hacker. Ngoài ra, có khoảng 80% người dùng smartphone trên thế giới đang sở hữu và sử dụng thiết bị Android mỗi ngày. Con số này càng tạo cơ sở và mục đích cho các hacker chuyên viết mã độc nhắm vào người dùng.
 
Ước tính trung bình có khoảng 11,7 ngàn mẫu phần mềm độc hại Android mới được phát hiện mỗi ngày. Điều này đặt ra mối đe dọa khủng khiếp cho nền tảng Android và người dùng nói chung - các chuyên gia bảo mật tại G Data cảnh báo.
 
Mặc dù mã độc nhắm vào hệ điều hành Android là nguyên nhân chính, nhưng thực tế cho thấy vẫn còn nhiều người dùng sử dụng "phiên bản Android lỗi thời", và điều này càng khiến họ dễ bị hacker lợi dụng để khai thác thông tin.
 
Theo thống kê về thị phần của phiên bản Android trong tháng 10/2018 của Google cho thấy, thị phần phiên bản cũ như Android Gingerbread, Ice Cream Sadwich, Jelly Bean, KitKat và Lollipop vẫn còn chiếm từ 0,2% tới 14.4%. Trong khi đó, các phiên bản mới gần đây như Oreo chỉ mới chiếm tỷ lệ khá ít ỏi, vào khoảng 21,5%.
 
Một tin tốt lành cho người dùng Android, đó là mới đây Google đã lên tiếng khẳng định rằng, tất cả các OEM (tức nhà sản xuất thiết bị gốc) sẽ buộc phải tăng tần suất cập nhật Android cho thiết bị của mình mỗi 3 tháng/lần và trong ít nhất 2 năm, kể từ ngày 31/1/2019. Và theo đó, người dùng sẽ được bảo vệ tốt hơn thông qua các bản cập nhật bảo mật được phát hành đều đặn. Nếu các OEM không chấp hành quy định mới của Google, họ sẽ phải chịu hình phạt, bao gồm bị trì hoãn hoặc từ chối cấp chứng chỉ cần thiết cho smartphone trước khi ra mắt.