Mới đây, Thơ Nguyễn - YouTuber khá nổi trong lĩnh vực phục vụ khán giả trẻ em nhỏ tuổi - đã đăng tải video về sự cố bất ngờ bị tắt bình luận mặc dù không hề vi phạm lỗi chính sách nào. Được biết, đây là động thái chủ động tử chính YouTube, đúng như những gì họ đã thông báo cách đây vài tháng về kế hoạch thay đổi, thắt chặt quy định video dành cho cộng đồng chung trên nền tảng của mình.
Cụ thể, YouTube cho biết họ sẽ tự hạn chế một số quyền lợi của các chủ kênh có nội dung liên quan tới trẻ em và loại hình khán giả nhỏ tuổi nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi an toàn cho trẻ em khi xuất hiện trong video.
Theo YouTube, mọi chủ kênh từ nay sẽ phải cam kết chắc chắn tuân theo "Đạo luật bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em trên mạng", đồng thời phải thông qua một bước xác nhận trung thực rằng kênh của mình có thuộc nội dung dành cho trẻ em hay không. Nếu có, kênh sẽ bị thực thi hạn chế quyền lợi đúng như những gì được đề ra. Trong trường hợp kênh không chủ yếu dành cho đối tượng trẻ em nhưng một số ít video trước đó vẫn có dính dáng, chủ kênh bắt buộc phải khai báo lại cho từng video đó để cung cấp đủ các thông tin cần thiết nếu muốn lấy lại quyền lợi.
Thay đổi này sẽ chính thức được cập nhật vào tháng 1/2020 tới đây, xuất phát bằng việc hạn chế một số tính năng của nội dung dành cho trẻ em (chẳng hạn như tắt bình luận, thông báo...).
Tại sao YouTube lại chấp nhận kìm hãm và siết chặt quyền lợi của chính những người đang ngày đêm hoạt động cống hiến cho nền tảng của mình? Thực chất, họ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tuân theo Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (FTC) và chỉ thị về Đạo luật bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em trên mạng (COPPA). Bất kỳ điều kiện nào không được đáp ứng theo đúng luật, YouTube hoàn toàn có quyền tự ý xử lý tùy theo mức độ vi phạm. Hệ thống tự động rà soát của YouTube cũng sẽ hoạt động liên tục để phát hiện sai phạm từ bất cứ nơi đâu, kịp thời báo cáo để ngăn chặn mọi hành vi tiêu cực.
Loại hình nội dung dành cho trẻ em là một trong những mục tiêu được thắt chặt bởi YouTube trong năm nay.
Những điều luật đặt ra cho kênh YouTube làm video dành cho trẻ em
Kể từ tháng 1/2020, nếu kênh YouTube đã xác nhận đối tượng người xem của mình là "dành cho trẻ em", những tính năng sau đây sẽ không hoạt động đối với cả video thường hoặc livestream:
- Quảng cáo tùy chọn cá nhân hóa
- Bình luận
- Hội viên của kênh
- Hình mờ thương hiệu của kênh
- Nút quyên góp
- Thẻ thông tin hoặc Màn hình kết thúc
- Trò chuyện trực tiếp hoặc Quyên góp trong cuộc trò chuyện trực tiếp
- Phát lại trong Trình phát thu nhỏ
- Super Chat hoặc Hình dán đặc biệt
- Lưu vào danh sách phát
- Kệ hàng hóa của YouTube
Tất nhiên, YouTube đủ hiểu và thừa nhận việc không cho phép đặt quảng cáo có thể làm giảm doanh thu cho chủ kênh và gây khó dễ cho cộng đồng. Thế nhưng, họ xác định đây là biện pháp đúng đắn để đảm bảo việc tuân thủ các đạo luật hiện hành. Các YouTuber làm nội dung dành cho trẻ em sẽ bắt buộc phải tuân theo quy định mới, nếu không sẽ bị thẳng tay trừng trị với hình phạt nặng nhất là xóa kênh.
Trở lại với một số trường hợp YouTuber khác tại Việt Nam, cách đây vài tháng Khoai Lang Thang cũng đã thông báo về một sự cố khó hiểu: Anh bị YouTube tắt kiếm tiền ở một video hoàn toàn bình thường và nhân văn, hạn chế tương tác, view và những chỉ số khác. Khi đó, anh đã hiểu lầm YouTube đang ưu tiên nội dung giật gân, câu view vì lợi nhuận hơn thay vì những sản phẩm an toàn, sâu sắc.
Dòng trạng thái được Khoai Lang Thang chia sẻ về sự cố tắt kiếm tiền.
Tuy nhiên, mọi thứ sau đó đã dần sáng tỏ khi nhiều người chia sẻ và để ý hơn tới những thông báo của YouTube. Có lẽ Khoai Lang Thang là một trong những người được chọn để thử nghiệm đầu tiên chỉ thị mới này, dần áp dụng luôn ngay từ thời điểm đó. Bởi video của Khoai Lang Thang được phân loại nội dung dành cho trẻ em, vì vậy việc tắt kiếm tiền là hoàn toàn hợp lệ theo quy định đưa ra.
Nếu vẫn cảm thấy vô lý về điều luật này, hãy cùng liên hệ tới Quỳnh Trần JP và bé Sa - hiện tượng YouTube siêu hot thời gian gần đây. Chính Quỳnh Trần đã không giấu nổi sự quan ngại và lo lắng của mình về việc cho con xuất hiện cùng mình trên video, bởi hình ảnh của bé dễ dàng bị lấy làm phục vụ mục đích chế ảnh, hoặc nhiều hình thức chỉnh sửa không đúng mực khác. Tại thời điểm đó, chị đã tạm thời không để con mình lên hình trong những video mới, khiến cư dân mạng không khỏi thắc mắc.
Hiện tại, thậm chí kênh của Quỳnh Trần JP đã phải đổi tên trở thành "Quỳnh Trần JP & Family". Trong vlog mới, chị đã chia sẻ: "YouTube của Quỳnh đã đổi tên, thêm vào chữ 'Family' - có nghĩa là 'gia đình'. Bởi vì kênh của Quỳnh là kênh độc lập, nếu không có chữ Family thì sẽ bị YouTube đánh là kênh quay hình ảnh trẻ em (vi phạm luật bảo vệ trẻ em của YouTube), và sẽ bị tắt bình luận và có thể là cả chức năng bật kiếm tiền".
Tên kênh mới của Quỳnh Trần.
Do vậy, qua toàn bộ những động thái trên, có thể thấy quyết định của YouTube là hoàn toàn đúng đắn để bảo vệ quyền lợi cho trẻ em, tăng cường nhận thức một cách cần thiết, chính đáng cho cộng đồng.