Tàu thăm dò của Trung Quốc hoàn thành sứ mệnh 23 ngày trong vũ trụ và đã đáp xuống địa điểm Siziwang Banner của Nội Mông, Xinhua cho biết.
Cáp-xun đã có một cú lượn khi trở lại bầu khí quyển của Trái đất để giảm tốc và đáp xuống nơi được chọn cho tất cả tàu vũ trụ của Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay chúc mừng thành công này. Là dự án vũ trụ phức tạp nhất của Trung Quốc, sứ mệnh Thường Nga 5 “đánh dấu bước tiến lớn của ngành vũ trụ Trung Quốc và sẽ góp phần làm sâu sắc hơn hiểu biết về nguồn gốc của Mặt trăng và lịch sử tiến hóa của hệ mặt trời”, ông Tập nói.
Ông Tập nói rằng việc khám phá vũ trụ không chịu giới hạn nào và kêu gọi thực hiện khám phá liên hành tinh để đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc lớn về nghiên cứu vũ trụ và hiện thực hóa mục tiêu phục hưng đất nước, cũng như sử dụng vũ trụ vào mục đích hòa bình.
Là tàu thăm dò thứ năm được đưa lên Mặt trăng, Thường Nga 5 được phóng lên từ bãi phóng Wenchang trên đảo Hải Nam hôm 24/11 và hạ cánh xuống Mặt trăng 1 tuần sau đó. Nó bắt đầu hành trình quay lại Trái đất khoảng 2 tuần trước.
Đây là những mẫu thí nghiệm đầu tiên được đưa về từ Mặt trăng kể từ năm 1976, rất lâu sau Mỹ và Liên Xô. Với mũi khoan và cánh tay robot, Thường Nga 5 lấy được 2kg mẫu trên bề mặt và sâu 2m dưới bề mặt miệng núi lửa Mons Rümker thuộc vùng lòng chảo được đặt tên là Oceanus Procellarum ở nửa gần của Mặt trăng.
Địa chất ở vùng này được tin là ít tuổi hơn so với khu vực mà người Mỹ và Nga đã lấy mẫu.
Các nhà khoa học hy vọng các mẫu được mang về sẽ làm sáng tỏ về lịch sử và sự tiến hóa của Mặt trăng cũng như Trái đất.
Tàu đổ bộ của Thường Nga 5 cũng lần đầu tiên cắm cờ Trung Quốc trên Mặt trăng và phương tiện này sẽ ở lại đó sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Hai tàu vũ trụ trước đây là Thường nga 1 và 2 chỉ quay quanh Mặt trăng, còn Thường Nga 3 có cú hạ cánh mềm cùng robot tự hành Thỏ Ngọc. Năm 2019, Thường Nga 4 trở thành tàu thăm dò đầu tiên đạp xuống nửa tối của Mặt trăng và hoạt động cùng robot tự hành Thỏ Ngọc 2 cho đến nay.
Với thành công này, chương trình Thường Nga đặt mục tiêu đưa các phi hành gia Trung Quốc lên thiên thể gần Trái đất nhất vào năm 2030 và thiết lập trạm nghiên cứu lâu dài trên cực nam của Mặt trăng trong tương lai.
Tham vọng vũ trụ của Trung Quốc không chỉ dừng ở Mặt trăng. Nước này đưa một tàu thăm dò lên sao Hỏa từ tháng 7 năm nay và chuẩn bị đưa một trạm nghiên cứu vũ trụ vào không gian trong năm tới.