Sai lầm của nhiều người khi giờ này vẫn còn mua phần mềm diệt virus: Bạn đang phí tiền mà không biết

Nếu chỉ là người dùng cá nhân thông thường, phần mềm diệt virus mua thêm là không cần thiết khi các biện pháp hiện có đã đủ an toàn.
Sai lầm của nhiều người khi giờ này vẫn còn mua phần mềm diệt virus: Bạn đang phí tiền mà không biết- Ảnh 1.

Phần mềm diệt virus là thứ quá đỗi quen thuộc với người dùng máy tính. Đặc biệt giữa bối cảnh lừa đảo trực tuyến hiện nay, ý thức tự bảo vệ cao trên internet càng làm cho những công cụ này trở nên không thể thiếu.

Đã từng có khoảng thời gian người dùng Việt khi mới cài máy tính đều cài thêm phần mềm diệt virus như một điều bắt buộc. Họ phải trả vài trăm nghìn cho đến cả triệu để mua phần mềm chính thức hoặc không đủ tài chính thì tìm đến các bản cài lậu.

Nhưng trong thời đại ngày nay, phần mềm diệt virus có thực sự cần thiết hay không và chúng ta có nên trả tiền cho chúng?

Sai lầm của nhiều người khi giờ này vẫn còn mua phần mềm diệt virus: Bạn đang phí tiền mà không biết- Ảnh 2.

Có thể không cần thiết

Cuộc khảo sát gần đây của Security.org cho biết khoảng 54% người Mỹ sử dụng phần mềm bảo vệ chống virus mặc định đi kèm trên thiết bị (Microsoft Defender Antivirus có sẵn trên máy tính Windows), trong khi 46% sử dụng chương trình chống virus của bên thứ ba.

Nhưng trong số những người cài đặt thêm biện pháp bảo vệ bên thứ ba, chỉ có hơn một nửa là trả tiền mua. Norton và McAfee chiếm 52% trong số những khách hàng trả tiền, trong khi Kaspersky chỉ chiếm 4% thị trường.

Trong số này, người Mỹ lớn tuổi có xu hướng sử dụng chương trình diệt virus của bên thứ ba và trả tiền nhiều hơn đáng kể. Theo đó, những người trên 65 tuổi có khả năng đăng ký dịch vụ diệt virus trả phí gấp đôi so với những người dưới 45 tuổi.

Thế nhưng, điều này không phản ánh việc người lớn tuổi có xu hướng cẩn thận và an toàn hơn mà chỉ đơn thuần là do phần mềm diệt virus là thứ đã gắn bó với họ trong nhiều năm. Việc trả tiền cho chúng đơn giản là mang lại cho họ cảm giác yên tâm chứ không phải phần mềm bảo vệ là cần thiết.

Theo chuyên gia Ed Bott của ZDNet, trên thực tế, trả tiền cho phần mềm diệt virus là sự lãng phí tiền bạc lớn.

Thời đại bảo mật ngày nay đã khác nhiều so với cách đây 10-20 năm. Việc trả tiền cho phần mềm diệt virus là không quá cần thiết. Bất kể là trên loại thiết bị nào, dù là máy tính hay điện thoại, người dùng vốn đã có chế độ bảo vệ mặc định đủ mang lại sự an toàn tương tự như phần mềm diệt virus của bên thứ ba.

Trên thiết bị di động (iOS hoặc Android), ứng dụng đã được giám sát nghiêm ngặt thông qua cửa hàng ứng dụng. Trên máy Mac, công nghệ chống phần mềm độc hại XProtect đã có từ hơn một thập kỷ và có hiệu quả chống lại các mối đe dọa chính thống.

Còn Windows thì sao? Chính là Microsoft Defender Antivirus, được tích hợp trong mọi máy tính chạy Windows. Công cụ này thường xuyên vượt qua các bài kiểm tra từ các đơn vị thử nghiệm của bên thứ ba để đo lường hiệu quả về bảo mật.

Từ khi quá trình nâng cấp bắt đầu cách đây khoảng bảy năm, giải pháp của Microsoft luôn đạt từ 99% đến 100% điểm, hiệu quả ngang ngửa với các đối thủ của bên thứ ba, dù là miễn phí hoặc trả phí.

Sai lầm của nhiều người khi giờ này vẫn còn mua phần mềm diệt virus: Bạn đang phí tiền mà không biết- Ảnh 3.

Chúng ta đã an toàn hơn trước rất nhiều

Vào đầu thế kỷ 21, khi máy tính chạy Windows còn trong thời kỳ hoang dã và hỗn loạn, hầu hết phần mềm độc hại đều xuất hiện trên máy tính dưới dạng tệp đính kèm email hoặc qua mạng.

Ngày nay, các con đường lây lan đã bị đóng lại một cách hiệu quả. Các bản cập nhật tự động bảo vệ chống lại các lỗ hổng mới được phát hiện. Máy khách email chặn mọi loại tệp đính kèm thực thi, bao gồm cả các tệp dựa trên tập lệnh.

Và tường lửa mạng đã có nhiều tiến bộ kể từ năm 2002. Kết quả kiểm tra gần đây cho thấy Microsoft Defender có hiệu quả trong việc chặn tất cả các vectơ tấn công phổ biến nhất đối với phần mềm tống tiền và đánh cắp thông tin.

Trung bình, một ứng dụng diệt virus hiện đại chặn 99,2% mối đe dọa tinh vi nhất sau khi chúng đã vượt qua hết các lớp bảo vệ khác. Và ngay cả khi virus vẫn lọt qua được khe cửa hẹp, tính cảnh giác của mỗi người chính là lớp phòng vệ sau cùng.

Đây là lý do tại sao máy tính cá nhân hiện đại, cập nhật bản vá đầy đủ của người dùng bình thường không thực sự là mục tiêu của các băng nhóm tội phạm đứng sau các phần mềm độc hại hiện đại.

Những cuộc tấn công mà bạn nghe thấy hầu hết đều nhắm vào doanh nghiệp, sử dụng các lỗ hổng trong phần mềm của bên thứ ba hơn là trong chính hệ điều hành.

Một số ví dụ tiêu biểu như tin tặc sử dụng phần mềm quản lý SolarWinds để tấn công Microsoft. Hay thông qua ứng dụng phổ biến MOVEit để xâm phạm đến hàng nghìn công ty lớn và các cơ quan chính phủ vào năm ngoái.

Shell, British Airways, BBC là nạn nhân của cuộc tấn công MOVEit, chứ không phải người dùng máy tính ngẫu nhiên.

Ngày nay, tội phạm mạng đang tập trung vào loại mục tiêu lớn và có giá trị hơn thay vì đầu tư nhiều công sức và tiền của để xâm nhập vào máy tính chẳng có gì ngoài mấy tấm ảnh cá nhân của bạn.

Một mặt, người dùng cá nhân được bảo vệ khá tốt thông qua các biện pháp bảo mật mặc định. Mặt khác là những kẻ tấn công không thấy lợi ích tài chính khi nhắm vào những nạn nhân đơn lẻ như vậy.

ZDNet khuyến cáo, là người dùng bình thường, chỉ cần Microsoft Defender là đủ. Nếu vẫn đang trả tiền cho Norton, McAfee hoặc Kaspersky để bảo vệ trên máy tính tại nhà, đã đến lúc bạn nên ngừng lại.

Tất nhiên, nếu làm việc trong lĩnh vực nhạy cảm và có những thông tin quan trọng, cũng như được bộ phận công nghệ thông tin tại nơi làm việc khuyến nghị cài thêm các biện pháp bảo vệ nâng cao, hãy nghe theo để có hiệu quả bảo mật tốt nhất.