Trong thập kỷ qua, chúng ta đã chứng kiến việc nhiều dịch vụ kỹ thuật số và các nền tảng trực tuyến thu thập dữ liệu khách hàng rồi bán cho các bên thứ ba để thu lợi nhuận. Việc các dịch vụ chia sẻ và bán dữ liệu là xâm phạm đến quyền riêng tư của người dùng, nhưng điều này lại rất khó để né tránh.
Những sản phẩm và nền tảng này sẽ khiến người dùng khó sử dụng dịch vụ nếu họ chọn không chia sẻ dữ liệu. Đôi khi, khi chọn “Tôi không đồng ý” đối với Điều khoản dịch vụ, người dùng sẽ được chuyển đến một trang web không hoạt động. Đây chính là một chiêu trò để ép người dùng đồng ý với các điều khoản.
Một ví dụ điển hình cho chiêu trò này là khi WhatsApp triển khai chính sách bảo mật mới vào đầu năm nay. Theo đó, những người dùng không chấp nhận các thay đổi mới sẽ trải nghiệm việc các tính năng của ứng dụng liên tục suy giảm rồi ngừng hoạt động hoàn toàn. Đó là cái “Bẫy 22” tham lam và WhatsApp đã đánh mất lòng tin của người dùng khi xâm nhập vào quyền riêng tư kỹ thuật số chính đáng của họ.
Đây là một bước đi không khôn ngoan của WhatsApp khi cuối cùng, người dùng đã thể hiện sự thất vọng lớn đến mức công ty này phải tuyên bố rằng họ sẽ không giới hạn chức năng đối với những người dùng chọn từ chối các điều khoản mới.
Làn sóng đấu tranh cho quyền riêng tư trên Internet khiến nhiều công ty khởi nghiệp và nhà phát triển phải chạy đua sáng tạo ra những cách mới để kiếm tiền từ sản phẩm. Họ đã nhầm tưởng rằng việc bán dữ liệu người dùng là nguồn doanh thu khả dụng duy nhất. Tin tốt là có rất nhiều phương pháp thay thế mà một doanh nghiệp thậm chí không cần phải quá sáng tạo để triển khai những cách thức này.
Việc bán dữ liệu người dùng không phải là cách duy nhất để tạo ra lợi nhuận
Thu thập dữ liệu không phải lúc nào cũng xấu. Mọi ứng dụng hoặc nền tảng phải thu thập một số dữ liệu để cải thiện trải nghiệm người dùng và đảm bảo tính năng hoạt động phù hợp. Tương tự như việc đóng thuế, một công dân phải trả thuế để “đăng ký” các dịch vụ công cộng như cầu đường, trường công, công viên, thư viện... Khi bạn sử dụng một ứng dụng miễn phí, bạn sẽ “đóng thuế” cho ứng dụng đó bằng dữ liệu của mình.
Vấn đề chỉ nảy sinh khi một ứng dụng tự định vị mình là hoàn toàn miễn phí nhưng thực chất lại kiếm tiền từ việc cung cấp dữ liệu người dùng cho bên thứ ba. Có nhiều tùy chọn thay thế để các doanh nghiệp có thêm doanh thu mà không yêu cầu người dùng phải đánh đổi quyền riêng tư của họ.
Cung cấp dịch vụ mà người dùng sẵn sàng trả tiền
Một ý tưởng đơn giản nhưng hiệu quả là cung cấp một dịch vụ hoặc sản phẩm tốt đến mức người dùng sẵn lòng trả tiền để sử dụng. Dịch vụ đó có thể được tích hợp trong ứng dụng hiện có dưới dạng tiện ích bổ sung hoặc như một tiện ích mang lại doanh thu chính.
Một ví dụ về mô hình kinh doanh này là Netflix, nền tảng mà hàng triệu người sẵn lòng trả tiền để truy cập vào kho nội dung khổng lồ, chất lượng cao và các đề xuất dựa trên mối quan tâm của người dùng. Một ví dụ khác là dịch vụ email cao cấp Hey của Basecamp.
Các ông lớn như Google và Yahoo cung cấp dịch vụ email miễn phí nhưng cài đặt quyền riêng tư mặc định cho phép các công ty này sử dụng nội dung email để nhắm mục tiêu quảng cáo. Basecamp’s Hey tạo sự khác biệt bằng cách tính phí cho một dịch vụ hoàn toàn không có quảng cáo, đồng thời cung cấp tính năng sàng lọc email và tổ chức nâng cao.
Áp dụng mô hình "freemium"
Khi giới thiệu một sản phẩm kỹ thuật số ra thị trường, chiến lược cho phép sử dụng miễn phí là phù hợp. Tuy nhiên, không phải tất cả các tính năng trên một nền tảng kỹ thuật số đều phải miễn phí, đặc biệt là khi nhà phát triển phải đánh đổi bằng cách bán dữ liệu người dùng cho bên thứ ba.
Các tính năng cao cấp, trả phí có thể bao gồm: Tiện ích tùy chỉnh, bộ nhớ hoặc giao dịch không giới hạn. Trình tạo trang web Wix đã làm tốt điều này. Wix cho phép người dùng xây dựng một trang web cơ bản miễn phí, sau đó cung cấp các tính năng và chức năng phức tạp hơn thông qua mô hình đăng ký nhiều gói khác nhau.
Cung cấp dịch vụ doanh nghiệp hoặc dịch vụ nhãn trắng
Nhà phát triển có thể cung cấp dịch vụ miễn phí cho người dùng cá nhân, nhưng cung cấp một phiên bản trả phí cho các doanh nghiệp hoặc nhân sự cấp cao với các tính năng phức tạp, chẳng hạn như tính năng phân tích. Một lựa chọn khác là cung cấp dịch vụ nhãn trắng, trong đó, doanh nghiệp có thể cộng tác với nhà phát triển, mua công nghệ độc quyền để cung cấp cho khách hàng của mình.
Chạy các quảng cáo không yêu cầu theo dõi dữ liệu
Hầu hết các ứng dụng hoặc nền tảng đều nắm được về nhân khẩu học người dùng của họ. Ví dụ: Nếu nhân khẩu học của tệp người dùng của một công ty kỹ thuật số bao gồm những người vừa “lên chức” bố mẹ, thì họ đã có thể cung cấp các quảng cáo về dịch vụ mà phụ huynh thường quan tâm. Không cần phải theo dõi dữ liệu người dùng trên các nền tảng để biết rằng, họ quan tâm đến quảng cáo về tã hoặc ghế ngồi ô tô trẻ em.
Các nhà phát triển ứng dụng phải dẫn đầu nỗ lực này
Đừng đẩy “quả bóng trách nhiệm” lên người dùng, khiến họ phải từ chối mọi chính sách bảo mật lợi dụng dữ liệu hoặc đầu tư thời gian tìm kiếm ứng dụng thật sự tôn trọng quyền riêng tư. Trong trường hợp lý tưởng nhất, nhà phát triển nên đặt mặc định không chia sẻ dữ liệu và để người dùng chọn cho phép nếu họ muốn dữ liệu của họ được sử dụng để tùy chỉnh ứng dụng hoặc nền tảng phù hợp với nhu cầu.
Bằng không, các nhà phát triển ứng dụng và nền tảng cần phải nói rõ cho người dùng biết dữ liệu nào đang được sử dụng cho mục đích nào. Họ cũng phải minh bạch trong việc dữ liệu nào đang được chia sẻ và tại sao.
Mô hình kinh doanh chỉ xét đến các tùy chọn mang lại lợi nhuận sẽ không bền vững về lâu dài. Thao túng người dùng, buộc họ chia sẻ dữ liệu sẽ làm tổn hại niềm tin - điều vốn là tài sản vô hình mà một doanh nghiệp cần có để phát triển tệp khách hàng. Các nhà phát triển ứng dụng và nền tảng nên ưu tiên cho người dùng được đưa ra quyết định.
Cung cấp những giá trị thực sự hữu ích đối với khách hàng, đáp ứng nhu cầu và mong muốn của họ là cách tốt nhất để thu được lợi nhuận dài hạn.
* Bài viết thể hiện quan điểm của ông Nadav Melnick - Phó Chủ tịch phụ trách sản phẩm của Rakuten Viber.