"Samsung SDS sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và tư vấn triển khai đô thị thông minh cho các thành phố ở Việt Nam. Mới đây nhất, Samsung đã gặp và làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Ninh để khởi động thí điểm giải pháp đô thị thông minh cùng hệ thống chiếu sáng, thu thập dữ liệu môi trường trong phạm vi hẹp đã định sẵn", đây là thông tin mà đại diện Samsung chia sẻ tại Diễn đàn Cấp cao về Công nghiệp 4.0 (Industry 4.0 Summit) 2019.
Ngoài Bắc Ninh, các giải pháp của Samsung SDS (công ty thành viên của Tập đoàn Samsung, Hàn Quốc) cũng đã, đang và sẽ hỗ trợ nhiều thành phố khác tại Việt Nam như TP.HCM, Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, Bình Dương,... tiến tới thông minh hơn. Hiện tại, với các nghiên cứu công nghệ và hệ sinh thái thiết bị, dịch vụ đã phủ khắp mọi lĩnh vực trong đời sống, "gã khổng lồ" công nghệ Hàn Quốc này đang được chào đón ở nhiều nơi cả sân nhà lẫn sân khách.
Chẳng hạn vào tháng 3/2019, trong buổi tiếp ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc Samsung Electronics Việt Nam, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã đề nghị, với thế mạnh và kinh nghiệm đã xây dựng trung tâm nghiên cứu tại Hà Nội, Samsung nên xây một trung tâm nghiên cứu tại TP.HCM và quan tâm đến việc nội địa hóa các sản phẩm công nghệ được sản xuất tại Việt Nam, qua đó hỗ trợ TP.HCM xây dựng thành phố thông minh.
Trước mắt, Samsung đã khai trương Trung tâm Trải nghiệm Giải pháp Doanh nghiệp Samsung (Executive Briefing Center) và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển (Samsung Ho Chi Minh City Research & Development Center) tại nhà máy Samsung (SEHC) thuộc Khu Công nghệ cao, Q.9, TP.HCM. Đây được xem là trung tâm trải nghiệm giải pháp doanh nghiệp Samsung lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Trung tâm này bao gồm nhiều khu vực được trang bị bằng các thiết bị hiện đại, mang đến các giải pháp thông minh và những lợi ích mà các doanh nghiệp đang quan tâm như: Giải pháp hiển thị, giao thông vận tải, giáo dục, nhà máy, điều hòa không khí hệ thống, phòng đào tạo,... thông minh.
Không gian mô phỏng một phần thành phố thông minh tại của Samsung tại Diễn đàn Cấp cao về Công nghiệp 4.0.
Còn tại sân nhà Hàn Quốc, vào tháng 4/2019, Samsung SDS và Telensa đã hợp tác trong những dự án đô thị thông minh, khởi đầu là việc triển khai hệ thống đèn đường thông minh ở các thành phố của "xứ sở kim chi". Telensa là công ty có kinh nghiệm triển khai hơn 1,7 triệu đèn chiếu sáng cùng với dự án dữ liệu đô thị.
Thông qua mối hợp tác với Samsung SDS, Telensa cung cấp sản phẩm và ứng dụng chạy trên nền tảng Brightics IoT (nền tảng thu thập dữ liệu chuyên truy xuất và phân tích dữ liệu lớn, được vận hành bởi trí thông minh nhân tạo) của Samsung SDS. Còn chuyên môn sâu của Samsung SDS trong các lĩnh vực khác như công nghệ 5G và blockchain sẽ giúp ích rất nhiều cho Telensa trong việc truy cập hệ thống đèn đường khi triển khai trên diện rộng.
"Ngoài việc tăng hiệu quả sử dụng năng lượng của thành phố và giảm chi phí năng lượng, khí thải carbon và chi phí bảo trì, chiếu sáng thông minh cũng có thể là nền tảng cho một loạt các ứng dụng khác của thành phố (bao gồm an toàn công cộng, quản lý giao thông, đỗ xe thông minh, giám sát môi trường, Wi-Fi mở rộng và thông tin di động). Đèn đường được kết nối sẽ cho phép thay đổi đèn dựa trên thời gian, các sự kiện đặc biệt, trường hợp khẩn cấp, các cảm biến khác,...", đại diện Samsung cho biết tại Diễn đàn Cấp cao về Công nghiệp 4.0 hồi đầu tháng 10/2019.
Đồng thời, vị đại diện khẳng định: "Samsung luôn coi Việt Nam là trung tâm lớn thứ 2 chỉ sau đại bản doanh tại Hàn Quốc, và luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với Việt Nam". Trong đó có việc cải thiện năng suất của ngành công nghiệp sản xuất nội địa bằng cách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi sang mô hình nhà máy thông minh.
Cụ thể hơn, Samsung dự kiến thiết lập một hệ thống huấn luyện các chuyên gia, bảo vệ bí mật công nghệ, đăng ký sở hữu bằng sáng chế, đồng thời phát triển thị trường cho các doanh nghiệp nhỏ nhằm giúp họ tự chủ trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thêm vào đó, những giải pháp nhà máy thông minh mà Samsung hỗ trợ sẽ tập trung vào việc ứng dụng trí thông minh nhân tạo (AI), mạng lưới thiết bị kết nối Internet (IoT), điện toán đám mây và những công nghệ cao khác đối với các quy trình vận hành ở nhà máy từ khâu sản xuất đến khâu kiểm tra giám sát.
Trên hành trình tiếp theo, Samsung cho biết họ sẽ đầu tư vào Trung tâm Hỗ trợ Nhà máy Thông minh. Ngân sách dành cho dự án này trong 5 năm là khoảng 100 tỉ Won (tương đương 88,89 triệu USD) do Samsung và chính phủ Hàn Quốc cùng chia sẻ. Riêng Samsung đầu tư thêm 10 tỉ Won (8,89 triệu USD) để giúp các doanh nghiêp nhỏ tham gia các triển lãm công nghệ, gặp gỡ khách hàng và nhà đầu tư trong nước và quốc tế.