Sao Hỏa đang quay nhanh một cách bất thường không rõ lý do

Những dữ liệu phân tích cho thấy hành tinh đỏ trong hệ Mặt Trời đang quay ngày càng nhanh hơn.

Theo Digital Trends, mặc dù giới khoa học không ngừng tìm hiểu về những hành tinh trong hệ Mặt Trời, nhưng sao Hỏa vẫn luôn được chú trọng nhất vì hàng loạt nhiệm vụ nghiên cứu đang được thực hiện tại hành tinh này.

Thậm chí, ngay cả các sứ mệnh đã hết nhiệm kỳ hoạt động vẫn luôn gửi dữ liệu của sao Hỏa về Trái Đất trong nhiều năm qua, như trường hợp của một nghiên cứu gần đây về việc sử dụng dữ liệu từ tàu đổ bộ InSight.

Nhiệm vụ đó từng kết thúc vào tháng 12/2022, khi các tấm pin mặt trời của tàu đổ bộ bị phủ quá nhiều bụi nên không thể cung cấp đủ năng lượng để duy trì hoạt động. Nhưng những dữ liệu do tàu đổ bộ thu thập gần đây đã tiết lộ một số điều bất ngờ về sao Hỏa, trong đó có cả việc hành tinh này đang quay nhanh hơn mỗi năm.

Theo đó, các nhà nghiên cứu đã sử dụng một công cụ trên tàu InSight có tên RISE, hay còn gọi là phản xạ sóng vô tuyến được gửi bởi mạng Deep Space Network của NASA. Bằng cách đo tần số của tín hiệu phản xạ này thay đổi như thế nào theo từng lượng nhỏ, các nhà nghiên cứu có thể đo chính xác tốc độ quay của hành tinh.

Họ đã phát hiện ra rằng hành tinh đang quay nhanh hơn một chút mỗi năm, tương ứng với việc giảm độ dài của một ngày trên sao Hỏa xuống 1/1000 mỗi năm. Phải mất rất nhiều phép đo cẩn thận để có thể thấy sự khác biệt nhỏ này, nó đã được thực hiện trong khoảng thời gian 900 ngày trên sao Hỏa.

Các nhà khoa học vẫn đang thảo luận về nguyên nhân của điều này. Một giả thuyết cho rằng các chỏm băng được tìm thấy ở các cực của sao Hỏa có thể đang tan chảy hoặc lớn lên, điều này sẽ làm thay đổi sự phân bố khối lượng trên hành tinh. Các nhà khoa học sẽ tiếp tục làm việc với dữ liệu từ RISE để tìm ra lý do, nhưng có lẽ sẽ mất nhiều năm nữa.