Oliver Whang là một cây bút tự do chuyên về tâm lý học. Anh cộng tác cho nhiều báo đài, tạp chí lớn ở Mỹ. Tác giả có một người anh em sinh đôi tên là Ethan. Thuở nhỏ, hai người luôn gắn kết với nhau, mặc những bộ đồ đôi, cắt cùng một kiểu tóc. Thế nhưng khi lên đại học, họ bắt đầu ao ước sống một thế giới riêng và hiện thực hóa giấc mơ.
Tuy vậy, dẫu có được cuộc sống hằng mong muốn nhưng khi mỗi người ở một nơi trên nước Mỹ rộng lớn, Oliver vẫn cảm thấy mình như đang thiếu mất một mảnh ghép, chính là sự trống vắng khi không có Ethan.
“Có không giữ, mất đừng tìm” là những gì mà Covid-19 đã dạy cho con người sau khi giáng một cú đấm đầy chết chóc. Những giao tiếp xã hội, tương tác trực tiếp giờ đây không còn nữa mà chỉ có con người một mình một cõi trong 4 bức tường cùng màn hình điện tử. Những điều hiển nhiên bỗng vụt mất giống Oliver và Ethan.
Vậy liệu chúng ta có thể sống đời online mãi mãi như vậy được không? Liệu chúng ta có thể đánh mất các quan hệ đời thật được không?
Kỷ nguyên “cái gì cũng qua mạng”
Oliver nghiên cứu về triết học và có biết một thí nghiệm về suy nghĩ gọi là “Căn phòng của Mary” (Mary’s room), do nhà triết học Frank Jackson đặt ra. Thí nghiệm giả sử rằng, Mary là một nhà khoa học lỗi lạc dành cả đời để sống trong một căn phòng vô sắc. Ở đó, cô cảm nhận thế giới chỉ qua màn hình của một chiếc TV đen trắng.
Oliver Wang là cây bút tự do, cộng tác cho nhiều báo đài, tạp chí lớn ở Mỹ.
Mary vô cùng thông thái và biết hết về tri giác sắc màu, chỉ có điều cô chưa lần nào cảm nhận nó. Rồi một ngày, cô rời căn phòng để bước ra thế giới bên ngoài để cảm nhận, cảm quan thế giới xung quanh. Mary lúc này mới thực sự chạm vào màu sắc bên ngoài và học được nhiều điều mới mẻ. Điều này được gọi là thuần trực quan (qualia). Trực quan cũng chính là điều mà những người “sống ảo” không thể nào cảm nhận được.
Trong đầu Oliver có một suy nghĩ cứ làm anh “ngứa ngáy” suốt bao năm qua đó là sao phải đến trường khi hầu như mọi thứ đều có thể giải quyết qua mạng. Tán gẫu, làm bài tập, giải trí, thậm chí tham gia lớp học đều thực hiện được chỉ cần có mạng Internet. Hồi tháng 3 sau khi trường đóng cửa và sinh viên phải học tại nhà, anh ít cảm thấy phiền và thậm chí còn thấy có nhiều tài liệu và thời gian hơn khi học trực tuyến.
Tự học trực tuyến sẽ trở thành xu hướng mới cho thế hệ học sinh tiếp theo? Ảnh: Brink.
Mọi chuyện ở thế giới này vẫn diễn ra bình thường, chỉ là chúng được thực hiện trên không gian mạng. Thế hệ trẻ được nuôi dưỡng bằng các thiết bị công nghệ, đứa trẻ càng lớn lên thì thiết bị càng nhỏ lại nhưng lại càng đa năng hơn. Con cái dùng điện thoại sành sỏi hơn cả cha mẹ, yêu đương hẹn hò qua mạng, họp mặt bạn bè cũng online nốt.
Học xong đại học, Oliver sẽ lại tiếp tục tham gia vào lực lượng lao động “ảo”, toàn làm việc qua mạng. Máy tính có thể sẽ thay thế cả con người trong nền kinh tế và công việc sẽ không biến mất mà chỉ là xuất hiện trên mạng. Anh là một tác giả, thế nên ngồi nhà làm việc cả ngày đã là bản chất và thế giới biến thành ảo hết thì cũng chả khác gì với công việc thường ngày. Chỉ có điều, đó là một thế giới kỳ quặc.
Mọi ngành nghề dần được trực tuyến hóa
Nhiều người trẻ như Oliver có cơ thể khỏe mạnh thì chả coi dịch bệnh là gì đâu. Nỗi sợ nguyên thủy khiến họ e dè hơn cả chính là tương lai bất định nơi những điều khủng khiếp kéo đến mỗi ngày. Trên tất thảy, điều kinh khủng nhất là dịch bệnh này sẽ khó biến mất, nếu vậy con người có thể sẽ phải sống qua mạng vĩnh viễn.
Chính ta của vài năm trước không tưởng tượng được công nghệ sẽ thay đổi cuộc sống hiện tại ra sao. Ảnh: Mental Floss.
Năm 2005, một người bất kỳ sẽ không tin mạng xã hội đủ sức kéo con người sầm mặt vào màn hình. Năm 2010, ai đó khi được hỏi cũng sẽ từ chối tin tưởng việc ta sẽ đặt xe qua app rồi ngồi vào xe được người lạ cầm lái. Năm 2015, thật khó để thuyết phục người ta tin Bitcoin trở thành tiền ảo được chấp nhận tại nhiều quốc gia. Vậy vào năm 2020, liệu ta có tin vào một tương lai mà con người hoàn toàn “sống ảo”?
Covid-19 khiến chúng ta thay đổi thói quen. Tuy nhiên nếu cứ tiếp tục, sợ rằng con người sẽ quen dần với điều đó và bản năng họ sẽ lên tiếng rằng họ vẫn ổn khi sống qua mạng mà chẳng cần giao tiếp trực quan con người với nhau. Thật vậy, tác giả cũng đang cảm thấy bản thân đang bị hút dẫn về phía lõm sâu của thực tại ảo đó.
Chúng ta đang sống ở kỷ nguyên mà hầu như mọi thứ được thực hiện qua mạng. Ảnh: Medium.
Thương mại, tài chính, truyền thông hay giáo dục, tất cả đã được trực tuyến hóa để phục vụ mọi đối tượng khách hàng. Estonia là quốc gia nơi gần như mọi thứ được đưa lên mạng, từ dịch vụ công của chính quyền tới cửa hàng thức ăn nhanh ngoài phố. Liệu loài người sẽ tiến đến 100% hoạt động ảo?
Không gian mạng tồn tại nhiều mối nguy hại, dù được kỹ sư công nghệ vá lỗi kịp thời nhưng các lỗ hổng vẫn xuất hiện liên tục. Không chỉ vậy, nhiều nghiên cứu chỉ ra người dùng mạng dễ mắc các triệu chứng về tinh thần, tâm lý hơn do nội dung độc hại, không có tương tác người thật.
Đến một lúc nào đó ta sẽ nhận ra, mối quan hệ nên được xây dựng từ tương tác trực tiếp giữa con người với nhau. Đồ họa: Bianca Bagnarelli.
Dù cho mọi thứ đều có mặt lợi và mặt hại, cũng như các vấn đề của thế giới ảo sẽ sớm được khắc phục, nhưng các chuyên gia dự báo con người vẫn sẽ chưa thể online hoàn toàn trong tương lai gần. Dù sao đi nữa, một điểm sáng trong mùa Covid-19 này đó là những gia đình có dịp gần lại với nhau hơn.
Khi chúng ta bận giao tiếp với thế giới qua mạng, cũng là khi các gia đình cùng ngồi lại và có nhiều thời gian dành cho nhau, tiếp xúc với nhau bằng trực quan cảm xúc thật. Các thành viên trong nhà cùng trò chuyện, anh chị em tụ họp vui chơi với nhau. Một mối quan hệ được xây dựng dựa trên sự gắn kết giữa con người trực tiếp với nhau chứ không phải gián tiếp qua máy tính. Tương lai sắp tới dù có khó khăn hơn nhưng bản chất con người luôn thúc giục họ tiến lên.