Một điều khá buồn và gây khó chịu cho nhiều người, đó là dù sau khi chết đi, dữ liệu số của chúng ta gần như vẫn còn tồn tại. Trong suốt cả đời người, chúng ta tạo ra, lưu trữ và chia sẻ rất nhiều thứ trên internet đến mức bất khả thi để có thể chôn vùi hoàn toàn.
Khi chết chưa phải là hết
Không phải ai sử dụng internet đều sử dụng mạng xã hội, đều có nhu cầu chia sẻ thông tin cho cả thế giới. Tuy nhiên, điều này cũng không giúp nhóm người đó thoát khỏi “sự sống online sau khi chết”. Ngày nay, hầu hết thông tin của mỗi người đều được lưu trữ trên internet và gần như ai cũng có khả năng truy cập chúng.
Bằng mật khẩu, bằng nhận dạng sinh trắc học hoặc bằng nhiều kiểu bảo mật khác; bằng quyền thừa kế kỹ thuật số, bằng sự can thiệp của tòa án hoặc bằng bất cứ hình thức nào; cũng sẽ có người truy cập được vào kho dữ liệu của bạn sau khi bạn qua đời, chỉ là người đó có muốn hay không.
Khi tiếp cận được két sắt số, những gì hiện ra sẽ nói lên rất nhiều điều về chủ sở hữu. Từ tin nhắn, email, liên lạc, hình ảnh, thời gian lưu trữ hay chia sẻ chúng, lịch sử di chuyển, các thiết bị cùng kết nối,... Kỷ nguyên internet vạn vật giúp ghép nối mọi thứ với nhau và tạo thành một khối thống nhất cho từng người.
Các thuật toán ứng dụng trí tuệ nhân tạo ngày càng hiểu thói quen của người dùng hơn, chúng được đi vào khối dữ liệu đồ sộ đó để tìm hiểu về con người. Khi sống, máy tính chọn lọc và gửi nội dung ta quan tâm; khi chết, máy tính có thể phân tích dữ liệu và đưa ra một kết luận tổng quan về cuộc đời người.
Một khảo sát được thực hiện năm 2019 tại Anh cho thấy 25% người muốn dữ liệu được xóa sạch ngay sau khi chết đi, nhưng thực tế là chưa có một cơ sở pháp lý nào tồn tại để điều này xảy ra, không có một nút bấm nào đủ quyền lực tới nỗi thổi bay tất cả.
Dữ liệu số của một người quá đồ sộ trong suốt cuộc đời của họ, chúng không chỉ nằm yên trong kho cất giữ mà còn lan truyền và để lại dấu vết trong suốt hành trình tham quan mạng của chúng ta, cũng như được công ty, chính quyền và nhiều bên thứ ba quản lý.
Nghĩa trang online vĩnh cửu
Nghĩa địa trực tuyến lâu đời nhất được thành lập vào năm 1995, đến nay vẫn còn hoạt động. Nơi này cho phép thân nhân gửi thông tin của người đã khuất, rồi thân quyến sẽ ghé ngang để lại lời tưởng niệm và tặng hoa ảo. Nhiều trang web với mục đích tương tự cũng được thành lập.
Ở ngoài đời, các ngôi mộ ngày nay dần được gắn các mã QR hay thậm chí là màn hình điện tử. Con cháu sẽ đến thăm ông bà và có cảm giác người quá cố vẫn còn sống cùng họ thông qua cách làm này. Tuy nhiên chúng chỉ có thời hạn và không thể duy trì mãi nếu không trả tiền dịch vụ cho các công ty.
Ngược lại, các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter hay Instagram, người dùng không phải trả tiền nhưng hồ sơ của họ gần như còn tồn tại mãi sau khi người đó qua đời. Những trang mạng này có chế độ tưởng nhớ, sẽ tắt một số chức năng xã hội và bật tính năng tưởng niệm cho bạn bè, người thân ghé qua.
Vấn đề là, dữ liệu của những người về thế giới bên kia vẫn có giá trị đối với họ ở thế giới hiện tại, ít nhất là trong một khoảng thời gian. Nhiều gia đình không muốn con cái họ xuất hiện trên mạng sau khi qua đời, đã gửi đơn đến Facebook với mong muốn được xóa hoàn toàn hồ sơ và dữ liệu đi kèm.
Cuối năm 2019, Twitter cũng hủy hàng loạt profile để xoa dịu dư luận khi rất nhiều người ở Mỹ cùng ký tên yêu cầu mạng này có thái độ tôn trọng với người chết. Theo thống kê của Viện Internet Oxford, sẽ có 4,9 tỷ trang cá nhân của người chết trên mạng vào năm 2100.
Không ai biết được thời gian chính xác để một người chết có thể chết hẳn trên thế giới ảo, các công ty vẫn còn nhiều việc cần làm với số dữ liệu to tướng ấy. Tuy vậy, khó có thứ gì tồn tại mãi mãi, luôn có khả năng xuất hiện sự cố hoặc công ty công nghệ phá sản, khi ấy người qua đời sẽ được hóa kiếp.
Người trẻ lên di chúc cho cuộc sống online
Nếu không thể xóa bỏ hoàn toàn dữ liệu số sau chết đi, chi bằng ta chủ động gói ghém cho chúng một cách chu đáo nhất. Theo một khảo sát được thực hiện ở Mỹ, chưa đến một nửa người trẻ có ý định lập di chúc truyền thống và có đến 83% chẳng mảy may đến di chúc kỹ thuật số.
Chỉ 15,2% người được khảo sát cho biết đã có kế hoạch cho dữ liệu của mình sau khi chết đi. Hiện tại, Google và Facebook cùng một số trang mạng khác đã có chức năng thừa kế, một người chịu trách nhiệm được luật pháp công nhận sẽ có toàn quyền với khối data của người mất.
Tuy nhiên không quá nhiều quốc gia đã sửa đổi luật để phù hợp với xu hướng công nghệ mới, bởi theo khái niệm về tài sản được thừa kế - hữu hình hoặc có giá trị - thì dữ liệu số không thuộc về. Bên cạnh đó, các chính sách bảo mật của công ty công nghệ cũng không cho phép chuyển nhượng nhiều nội dung bản quyền, tức người thừa kế chỉ xem chứ không có quyền thao tác quá nhiều.
Trong tương lai, luật pháp và chính sách sẽ được thay đổi dần, sẽ có những phương hướng cụ thể và định nghĩa hóa dữ liệu số. Ở thời điểm này khi còn nhiều lỗ hổng luật pháp đối với data, chúng ta chỉ có thể tự vun vén theo cách mà ta thấy ổn nhất.
Rất khó để đánh giá tài sản số sau chết
Nỗi đau không thể đong đếm, sự mất mát khó được lấp đầy, nhưng dữ liệu kỹ thuật số có ý nghĩa như thế nào đối với người chết và người thân của họ thì càng khó để đánh giá hơn.
Ở nhiều nền văn hóa, người ta muốn tiếp tục được sống với người đã mất bằng nhiều cách, dù là kết nối qua tâm linh hay thậm chí là ăn ở cùng người khuất đúng nghĩa đen. Nhưng có những nơi, người chết chỉ đơn giản là người chết, họ không bận tâm hay lưu luyến quá nhiều.
Trên cõi mạng này cũng vậy, có người muốn hồ sơ con cái mình biến mất sau sự cố đau thương, nhưng có người lại muốn được giữ mãi profile để có thể thăm viếng mỗi ngày qua màn hình điện thoại. Không có một quy tắc nào có thể đánh giá và xử lý khéo chuyện này.
Tiếng nói của chồng, file ghi âm nhịp tim của vợ, một bức email từ bạn trai, kết quả tìm kiếm của con gái vào những ngày cuối đời,... rất nhiều dạng tài sản số được gắn với một con người và những thứ bình dị như vậy lại gắn chặt với nhiều kỷ niệm.
Thậm chí, Google Street View hay Google Earth cũng đầy rẫy những linh hồn. Ở một góc phố trên tấm bản đồ số, cậu con trai có thể nhìn thấy hình ảnh bố mình đang tưới cây trước sân vườn vào ngày cuối tuần, người mẹ có thể xem lại mái hiên nơi bà theo dõi cô con gái chạy ra cổng để lên xe buýt đến trường.