Sau một cuộc gọi, người phụ nữ ở Bình Định liên tiếp mất sạch 1,4 tỷ đồng

Từ một cuộc gọi thông báo trúng tuyển dụng, người phụ nữ ở Bình Định rơi vào cạm bẫy lừa đảo tinh vi.

Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bình Định, đơn vị đang điều tra vụ một phụ nữ bị lừa hơn 1,42 tỷ đồng qua hai chiêu trò liên tiếp: Giả danh tuyển dụng xin việc và lừa đảo hoàn tiền.

Cụ thể, trình báo của chị H.T.A.M.L. (trú tại thị xã An Nhơn, Bình Định) cho biết, ngày 25/3, chị nộp hồ sơ xin việc lên hệ thống tiêm chủng VNVC. Ngay sau đó, một người tên Thùy gọi điện tự xưng là nhân viên của VNVC, thông báo chị đã trúng tuyển và yêu cầu cài đặt một ứng dụng có tên “Quỹ An sinh xã hội” để tham gia đóng góp, giúp đỡ người nghèo.

Sau một cuộc gọi, người phụ nữ ở Bình Định liên tiếp mất sạch 1,4 tỷ đồng- Ảnh 1.

Sau hai lần bị lừa đảo, chị L. đã mất tổng cộng hơn 1,42 tỷ đồng. (Ảnh minh hoạ)

Sau bước đầu tạo lòng tin, các đối tượng tiếp tục thuyết phục chị L. đầu tư vào “quỹ” này với lời hứa sẽ được sinh lời cao. Từ ngày 25 đến 26/3, chị L. đã thực hiện 11 lần chuyển tiền vào nhiều tài khoản khác nhau do các đối tượng cung cấp, với tổng số tiền lên đến hơn 690 triệu đồng.

Nhận thấy dấu hiệu bất thường, sáng 26/3, chị L. lập tức đến trình báo công an. Tại đây, lực lượng chức năng cảnh báo chị về thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, đồng thời khuyến nghị không nên thực hiện bất kỳ giao dịch nào qua các tài khoản không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội. 

Tuy nhiên, tối cùng ngày, chị L. tiếp tục liên hệ với một người tên Nam qua Facebook – người này hứa sẽ giúp chị lấy lại số tiền đã mất. Đối tượng cung cấp số tài khoản mang tên “PHUNG THI TRANG” và yêu cầu chị L. chuyển tiền để làm thủ tục giải ngân. Từ ngày 26 đến 29/3, chị tiếp tục chuyển thêm hơn 731 triệu đồng vào tài khoản này.

Tổng cộng sau hai lần sập bẫy, chị L. đã mất hơn 1,42 tỷ đồng. Công an tỉnh Bình Định đang điều tra làm rõ vụ việc và tiếp tục cảnh báo người dân cần tuyệt đối cảnh giác trước các chiêu trò mạo danh tuyển dụng, đầu tư sinh lời và hứa hẹn hỗ trợ hoàn tiền qua mạng xã hội.

Làm thế nào để tránh trở thành nạn nhân?

1. Luôn kiểm tra nguồn gốc thông tin: Nếu nhận được cuộc gọi hoặc tin nhắn yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản hoặc mã OTP, hãy liên lạc trực tiếp với ngân hàng hoặc công ty qua số điện thoại chính thức để xác minh.

2. Cảnh giác với các đường link lạ và ứng dụng không rõ nguồn gốc:

- Không nhấp vào liên kết được gửi qua tin nhắn, email hoặc mạng xã hội nếu bạn không chắc chắn về độ tin cậy.

- Không tải và cài đặt các ứng dụng từ nguồn không chính thống, đặc biệt là các ứng dụng yêu cầu truy cập thông tin tài khoản ngân hàng.

3. Giữ kín thông tin cá nhân và tài khoản: Không chia sẻ thông tin thẻ, mã PIN, mã OTP, hay hình ảnh căn cước với bất kỳ ai qua mạng xã hội, email, hoặc điện thoại.

4. Luôn cập nhật kiến thức về các chiêu thức lừa đảo mới: Theo dõi các cảnh báo từ ngân hàng, cơ quan chức năng và báo chí để nhận biết những phương thức lừa đảo đang diễn ra.

5. Luôn tham khảo ý kiến từ cơ quan công an hoặc ngân hàng: Khi bị lừa đảo, thay vì tìm kiếm "người hỗ trợ lấy lại tiền" qua mạng, hãy liên hệ ngay với công an địa phương hoặc phòng giao dịch ngân hàng để được tư vấn cách xử lý chính thống.