Sẽ ngăn chặn 'sóng ngầm' tiêu cực của TikTok

Vấn đề kiểm soát những nội dung xấu, độc trên nền tảng mạng xã hội khiến TikTok đối mặt với khả năng tạm dừng hoạt động ở Việt Nam.

Trước thông tin cuộc thanh tra, kiểm tra toàn diện của Bộ TT&TT và các cơ quan liên ngành vào tháng 5-2023, TikTok cho biết công ty đã nắm thông tin từ ngày 3-2 và sẵn sàng cho cuộc kiểm tra liên ngành này.

“Chúng tôi hy vọng nhận định và đánh giá cần dựa vào những quy định và bằng chứng xác thực để đảm bảo tính khách quan và hướng đến mục tiêu ưu tiên quyền riêng tư và sự an toàn của cộng đồng” - đại diện TikTok nói và nhìn nhận việc kiểm tra là kế hoạch của Chính phủ đối với các công ty hoạt động ở Việt Nam (VN), bao gồm TikTok.

Sáu sai phạm của TikTok ở Việt Nam

Thứ nhất, từ năm 2019 đến nay, TikTok không có biện pháp kiểm soát hiệu quả những nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước, tin giả, nội dung nhảm nhí, độc hại, thậm chí là gây nguy hiểm với trẻ em.

Thứ hai, TikTok sử dụng thuật toán phân phối nội dung tự động để tạo xu hướng (trend) nhằm phát tán những nội dung giật tít, câu view, bất chấp đó là nội dung độc hại, phản cảm, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng và giới trẻ.

Thứ ba, TikTok không có biện pháp kiểm soát hiệu quả để ngăn chặn hoạt động kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái, các loại thuốc kích dục, các thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc…

Thứ tư, TikTok không quản lý hoạt động của các idol TikTok nên để nhiều idol TikTok có xu hướng sản xuất những nội dung nhảm nhí, thiếu văn hóa nhắm vào sự hiếu kỳ của người xem, thậm chí còn tạo trend để thu lời từ những nội dung này.

Thứ năm, TikTok không có biện pháp kiểm soát hiệu quả các nội dung vi phạm bản quyền. Đặc biệt là bản quyền phim.

Thứ sáu, TikTok không có biện pháp quản lý, để người dùng tự ý sử dụng hình ảnh riêng tư, cá nhân của người khác để tung tin giả hoặc bôi nhọ, xúc phạm người khác.

Ông LÊ QUANG TỰ DO, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử

Thuật toán - sóng ngầm của TikTok

Ông Đặng Đăng Trường, chuyên gia độc lập lĩnh vực truyền thông và thương mại trên nền tảng số, cho biết việc phát triển thuật toán “tiêu thụ nội dung” khiến TikTok trở thành cơn sốt, thậm chí là đối thủ đáng gờm của các mạng xã hội (MXH) khác.

Thuật toán này được thiết kế để phân tích sở thích của người dùng và đề xuất các video mới, phù hợp nhất - bất kể video đến từ nguồn nào, quen hay lạ. Thậm chí, một tài khoản mới chưa có nhiều lượt theo dõi có thể đạt được trăm ngàn lượt xem (view) nếu đi đúng thuật toán.

“Điều này tạo ra một trải nghiệm hấp dẫn người dùng và “gây nghiện” khi họ dễ dàng khám phá nội dung mới vô tận mà họ thích. Đối với người làm nội dung (influencer, content creators), việc được xây dựng kênh, tìm kiếm sự nổi tiếng trên TikTok sẽ đến nhanh và tốn ít chi phí hơn so với MXH khác” - ông Trường phân tích.

Cùng quan điểm, ông Nhân Nguyễn, Giám đốc điều hành Nhan Nguyen Digital, nhìn nhận việc giúp người dùng nổi tiếng sau một đêm ngay cả khi họ chưa có người theo dõi là điều hấp dẫn của TikTok.

Thêm vào đó, thuật toán của TikTok liên quan đến “trending” (xu hướng) tự động đề xuất những chủ đề nóng, nhiều người quan tâm, ngay cả khi chưa gõ tìm kiếm.

“TikTok đề xuất cho người dùng các nội dung lan truyền nhiều, dù thông tin này chưa được kiểm chứng tính thật - giả. Đây là một điểm hạn chế của TikTok khiến tin giả được lan truyền một cách nhanh chóng” - ông Nhân Nguyễn phân tích và ví dụ về việc trước đây ông không tìm kiếm thông tin gì về lãnh đạo F88 nhưng vừa vào nền tảng đã tự đề xuất thông tin của doanh nghiệp này và phía dưới có thông tin sai sự thật là ông này bị bắt.

Cũng theo ông Nhân Nguyễn, bản chất của MXH là tạo nội dung và chia sẻ nội dung, trước TikTok thì Facebook, YouTube cũng giúp nhiều người kiếm tiền. Nhưng những nội dung có tác dụng xấu đến xã hội không được tự đề xuất cho người dùng như TikTok.

“TikTok là MXH ủng hộ các xu hướng mới, càng là xu hướng thì càng thu hút người dùng trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, vì tính năng tự chủ động đề xuất những nội dung nóng, có thể bao gồm nội dung xấu, dẫn đến nhiều hệ lụy nếu xu hướng đó là xu hướng xấu” - ông Nhân Nguyễn phân tích.

Về phía cơ quan chức năng, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT), nhấn mạnh đợt thanh tra, kiểm tra toàn diện TikTok VN vào tháng 5, việc thanh tra có cả quy trình kiểm tra thuật toán như cách thức, quy trình, thuật toán phân phối ra sao, tại sao có nội dung, trào lưu gây hại.

TikTok Việt Nam: Khuyến khích người dùng sử dụng các công cụ an toàn

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện TikTok VN cho rằng nền tảng không đứng ngoài cuộc hay dung túng cho video độc hại.

TikTok VN thiết lập Tiêu chuẩn cộng đồng nhằm khuyến khích người dùng sáng tạo những nội dung phù hợp với nền tảng và giúp người xem hiểu rõ những nội dung vi phạm cần được báo cáo. Việc gỡ bỏ những nội dung vi phạm sẽ được đánh giá kỹ lưỡng dựa trên sự kết hợp chặt chẽ giữa chính sách, công nghệ và đội ngũ kiểm duyệt của nền tảng, cũng như việc xem xét báo cáo từ cộng đồng.

Công nghệ kiểm duyệt tự động sẽ duyệt các nội dung dựa trên nhiều tiêu chí bao gồm nội dung, từ khóa, hình ảnh, tiêu đề, mô tả, âm thanh. Đội ngũ kiểm duyệt sẽ phối hợp cùng hệ thống kiểm duyệt tự động để bổ trợ những điểm còn hạn chế của công nghệ.

Đội ngũ kiểm duyệt là người VN liên tục làm việc kiểm duyệt nội dung và cam kết sẽ tiếp tục đầu tư để phát triển đội ngũ này.

Chúng tôi luôn nỗ lực khuyến khích người dùng sử dụng các công cụ an toàn được cung cấp trên TikTok như Bộ lọc bình luận, Quản lý thời gian truy cập, Chế độ hạn chế và tính năng Báo cáo trong ứng dụng. TikTok cũng chú trọng đầu tư vào việc giáo dục các kiến thức và kỹ năng kỹ thuật số thông qua việc phát động chiến dịch bằng video nhằm giúp người dùng đưa ra các quyết định đúng đắn khi trải nghiệm nền tảng.

“Chúng tôi ghi nhận nội dung gây nguy hiểm với trẻ em, yêu cầu ngăn chặn nhưng TikTok không làm hiệu quả” - ông Do chia sẻ tại cuộc họp thường kỳ của bộ vào ngày 6-4.

“Thực tế không chỉ ở VN, TikTok cũng bị nhiều nước trên thế giới lên án bởi các nội dung “độc hại”. Điển hình, vào tháng 7-2022, Trung tâm Luật pháp nạn nhân MXH Mỹ đã nộp đơn kiện TikTok lên tòa án Los Angeles vì lan truyền trào lưu Blackout - thử thách nghẹt thở khiến bảy trẻ em thiệt mạng” - ông Nhân Nguyễn nói.

Chuyên gia Johnanes Eichstaedt về AI tại Viện Stanford Mỹ đã nói trên Wired rằng “Động lực của TikTok không phải giải trí, mà là lợi nhuận. Thuật toán AI của nền tảng cố giữ người dùng bằng nội dung được cho là hấp dẫn, bất chấp nguy hiểm hoặc phản cảm”.

Trên thực tế, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử ghi nhận các “trend” nội dung có nguy cơ gây hại trực tiếp cho người xem là trẻ em như “chui đầu vào trụ bê tông”, “nhảy trước đầu xe tải”, “tự mài răng ở nhà” xuất hiện trên nhiều MXH khác nhau.

TikTok nên siết chặt quy chuẩn cộng đồng

Chuyên gia Đặng Đăng Trường nhìn nhận bài toán quản lý nội dung MXH không chỉ là thách thức của TikTok, mà cả Facebook hay Twitter đều đang phải tìm lời giải.

“Các nền tảng MXH gặp thách thức trong việc định nghĩa nội dung độc hại. Đơn cử, Twitter sau lần đổi chủ gần đây đã khôi phục nhiều nội dung trước đó bị cho là độc hại.

Riêng TikTok, còn một rào cản là kiểm duyệt nội dung video tốn nhiều công sức hơn do không thể làm triệt để bằng AI như nội dung text mà chắc chắn cần có bước kiểm duyệt của con người.

Hiện TikTok đã có đội ngũ kiểm duyệt nội dung cho thị trường VN, tuy nhiên theo phản ánh của báo chí gần đây thì có vẻ như Tiêu chuẩn cộng đồng đang áp dụng chưa đủ chặt chẽ. Hành động quan trọng nhất mà TikTok có thể điều chỉnh tiêu chuẩn này sát hơn với quy định của pháp luật” - ông Trường đưa ra quan điểm.

Ông Nhân Nguyễn đồng quan điểm khi cho rằng việc quản lý nội dung trên nền tảng số thực sự không đơn giản nên việc phân loại nội dung tốt - xấu như thế nào, tiêu chuẩn nào, nền tảng nào hay theo thuần phong mỹ tục nước sở tại là nội dung gây tranh cãi, nhất là với các nền tảng nước ngoài.

“TikTok nên kết hợp với các bộ, ban ngành tại VN để nâng cấp các tiêu chuẩn cộng đồng, nâng cấp các bộ lọc để có thể loại nội dung không tốt từ đầu. Thêm nữa, cần có chế tài xử lý phù hợp và mạnh tay để ngăn chặn những người cố gắng lợi dụng nền tảng bằng mọi giá để được nổi tiếng rồi trục lợi” - ông Nhân Nguyễn đề xuất.•

Nhiều nước cấm TikTok

Gần đây, nhiều quốc gia đã có lệnh hạn chế hoặc cấm sử dụng ứng dụng TikTok của Công ty công nghệ Trung Quốc (TQ) ByteDance.

Ấn Độ là quốc gia đầu tiên cấm TikTok cùng gần 60 ứng dụng TQ khác vào tháng 6-2020 do nghi ngờ những ứng dụng này “đánh cắp và lén lút truyền dữ liệu của người dùng một cách trái phép đến các máy chủ đặt bên ngoài Ấn Độ”, theo tờ The New York Times.

Tháng 12-2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký lệnh cấm dùng, cấm tải TikTok trên thiết bị của các cơ quan liên bang do lo ngại TQ dùng luật an ninh để yêu cầu TikTok hoặc Công ty ByteDance cung cấp dữ liệu của người dùng Mỹ, mang lại lợi ích cho các hoạt động tình báo hoặc chiến dịch gây ảnh hưởng của TQ, theo đài CNN.

Vào giữa tháng 3, một hội đồng đa cơ quan của Mỹ, Ủy ban Đầu tư nước ngoài (CFIUS), yêu cầu Công ty ByteDance bán cổ phần TikTok, nếu không ứng dụng này có thể phải đối mặt với lệnh cấm hoàn toàn tại Mỹ.

Tháng 2, Canada và các cơ quan của Liên minh châu Âu (EU) gồm Ủy ban châu Âu, Nghị viện châu Âu, Hội đồng châu Âu cũng đã cấm TikTok trên các thiết bị do các cơ quan này cấp, khuyến nghị nhân viên xóa TikTok trên điện thoại cá nhân với lý do Canada xem TikTok “gây ra rủi ro đối với quyền riêng tư và bảo mật”, còn EU chống lại các mối đe dọa an ninh mạng, hạn chế bị tấn công mạng cả hệ thống.

Tháng 3, Bỉ, New Zealand, Pháp cấm TikTok trên điện thoại công việc của công chức vì lo ngại an ninh, thậm chí Bỉ cho rằng công ty sở hữu TikTok hợp tác với các cơ quan tình báo TQ, theo tạp chí Forbes.

Cũng trong tháng 3, Anh làm điều tương tự do lo ngại an ninh mạng. Ngày 4-4, Anh đã phạt TikTok 12,7 triệu bảng (gần 16 triệu USD) vì vi phạm điều khoản và điều kiện hoạt động của công ty khi không đảm bảo cấm người dưới 13 tuổi dùng ứng dụng.

Gần đây nhất, ngày 4-4, Úc cũng công bố lệnh cấm TikTok trên tất cả thiết bị của chính quyền do lo ngại bảo mật, khẳng định lệnh cấm sẽ được áp dụng “ngay khi có thể”.

CEO của TikTok nói gì?

Trước những lệnh cấm, người phát ngôn của TikTok trao đổi với CNN rằng: “Thật đáng thất vọng khi các cơ quan và tổ chức chính phủ cấm TikTok trên các thiết bị của nhân viên mà không cân nhắc hoặc không có bằng chứng”.

TikTok cho rằng những lệnh cấm này dựa trên thông tin sai lệch về công ty, mang tính chính trị, không có bằng chứng về rủi ro bảo mật quốc gia. Công ty sẵn sàng liên hệ với các chính phủ làm rõ vấn đề và cam kết với quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu.

Tại phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ, ông Shou Chew, Giám đốc điều hành (CEO) TikTok, khẳng định TikTok độc lập với chính phủ TQ, là một công ty đa quốc gia, có trụ sở chính tại Singapore và Los Angeles (Mỹ) và không có ở TQ đại lục.

Theo ông Chew, TikTok nỗ lực bảo vệ dữ liệu người dùng Mỹ và khẳng định “không thấy bằng chứng cho thấy chính phủ TQ có quyền truy cập vào dữ liệu đó”, chưa bao giờ TQ yêu cầu cung cấp dữ liệu và công ty chưa làm điều đó.

Về tác động của TikTok đối với thanh thiếu niên liên quan nội dung độc hại liên quan đến ma túy, cách tự làm hại bản thân… mà các nhà lập pháp Mỹ đưa ra, ông Chew thừa nhận đây là một tồn tại, là thách thức cho toàn ngành, khẳng định coi trọng vấn đề này và đang đầu tư nhiều nhất để khắc phục.

Trung Quốc phản đối

TQ phản đối các lệnh cấm TikTok vì cho là “vô lý”, “không công bằng”. Lập luận của TQ là các nước đang “lạm dụng khái niệm an ninh quốc gia”, “lan truyền thông tin sai lệch về các vấn đề bảo mật dữ liệu” để “kiếm cớ đàn áp các doanh nghiệp TQ” và quyết định “dựa trên động cơ chính trị mà không dựa trên sự thật”.

TQ yêu cầu các nước nên tôn trọng nền kinh tế thị trường, quy tắc cạnh tranh công bằng và cung cấp môi trường không phân biệt đối xử với công ty từ các quốc gia đầu tư tại nước đó.

TQ khẳng định coi trọng bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu theo luật...

ĐỨC HIỀN