So sánh các công nghệ SmartHome trên thị trường hiện nay

Tại Việt Nam, cùng với xu hướng tăng trưởng mạnh của IoT, nhà thông minh cũng đang dần trở thành một lĩnh vực hấp dẫn được các doanh nghiệp đầu tư và phát triển để cung cấp các sản phẩm, giải pháp đa dạng cho khách hàng.
Theo hãng nghiên cứu Juniper Research, Mỹ, thị trường nhà thông minh đang phát triển mạnh mẽ với doanh thu thị trường toàn cầu dự kiến đạt 71 tỉ USD vào năm 2018. Còn theo Google, smarthome là phần quan trọng nhất của IoT, lĩnh vực được các hãng lớn dự báo doanh số đạt 1,7 nghìn tỷ USD vào năm 2019, kết nối 2,8 tỉ thiết bị với nhau, tăng trưởng gấp 3 lần so với năm 2014.

Tại Việt Nam, cùng với sự lên ngôi của các công nghệ mới như Internet of Things (IoT), Big Data, trí tuệ nhân tạo (AI), các sản phẩm và giải pháp thông minh ngày càng trở nên phát triển và phổ biến hơn. Nhà thông minh hay còn gọi là Smart Home đã trở nên quen thuộc với sự tham gia của rất nhiều các công ty công nghệ trong và ngoài nước. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về các công nghệ Smart Home tiêu biểu tại Việt Nam hiện nay để có cái nhìn tổng quan về thị trường đầy tiềm năng này.

1. BKAV SmartHome

BKAV hiện đang cung cấp 2 sản phẩm Nhà thông minh là Bkav SmartHome thế hệ 2 và Bkav Smarthome Luxury.

Bkav SmartHome kết nối tất cả các thiết bị điện trong ngôi nhà thành một hệ thống mạng, để có thể điều khiển chúng theo các kịch bản thông minh, bao gồm: hệ thống đèn chiếu sáng, rèm cửa, điều hoà nhiệt độ, tivi, âm thanh, khoá cửa, bình nóng lạnh, quạt thông gió, camera an ninh, chuông cửa có hình, hệ thống bơm tưới nước tiểu cảnh, bể cá.

Các thiết bị thông minh của Bkav SmartHome được đầu tư và chăm chút khá tỉ mỉ về vật liệu, thiết kế với mức giá tương đương với các nhà cung cấp nước ngoài như Seimens và Schneider. Chi phí cho hệ thống nhà thông minh của Bkav được coi là khá đắt so với mặt bằng chung do hướng tới thị trường cao cấp. Cụ thể Bkav SmartHome thế hệ 2 được chào bán với mức giá từ 30 – 50 triệu đồng, Bkav Smarthome Luxury khoảng từ 200 - 300 triệu đồng.

Về tính năng, nhà thông minh của Bkav có thể điều khiển trực tiếp thông qua thiết bị gắn trên tường hoặc dùng smartphone, máy tính bảng, có chức năng điều khiển bằng giọng nói, tích hợp các kịch bản ngữ cảnh thông minh và sử dụng hệ điều hành SmartHome OS do Bkav phát triển.

2. Lumi SmartHome

Lumi tập trung vào cung cấp các giải pháp chiếu sang thông minh, điều hòa, rèm cửa, bình nóng lạnh điều khiển tự động, âm thanh đa vùng, hệ thống an ninh, kiểm soát môi trường cho nhà ở…

Lumi SmartHome được hết nối và điều khiển qua các thiết bị điện thông minh như công tắc cảm ứng, chiết áp cảm ứng, cảm biến, bộ điều khiển hồng ngoại...

Người sử dụng có thể điều khiển giám sát bằng smartphone/máy tính bảng, điều khiển bằng giọng nói (tính năng mới ra mắt quý 2/2017).

Lumi SmartHome có giá bán từ 30 - 50 triệu đồng cho căn hộ chung cư hoặc từ 70 - 120 triệu đồng đối với 1 biệt thự liền kề.

3. Giải pháp SMCS của Pente Technologies

Smart Monitoring And Controlling System (Tên viết tắt: SMCS) là giải pháp công nghệ với nền tảng IoT (Internet of Things) do Pente Technologies nghiên cứu và phát triển. Mới được ra mắt trong năm 2017 nhưng SMCS được coi là giải pháp công nghệ thông minh trên nền tảng IoT hoàn thiện nhất và có phạm vi ứng dụng rộng nhất trên thị trường hiện nay.

SMCS hiện đã phát triển hoàn thiện và cung cấp ra thị trường 4 ứng dụng chính: Smart Energy (Quản trị năng lượng thông minh), Smart Datacenter (Hệ thống quản trị và giám sát Datacenter thông minh), Smart Home (Nhà thông minh) và (Smart Office: Văn phòng thông minh). Hệ thống SMCS bao gồm phần mềm quản trị, các thiết bị cảm ứng, điều khiển… và ứng dụng di động trên nền tảng iOS và Android. Ngoài ra, SMCS có thể áp dụng linh hoạt trong các hệ thống nông nghiệp thông minh, công nghiệp thông minh hay giao thông thông minh với nhiều kích cỡ và nhu cầu cụ thể khác nhau.

SMCS Smart Home tập trung chủ yếu vào quản trị, giám sát, cảnh báo sớm tình trạng năng lượng và an ninh vật lý qua cơ chế Hàng rào điện tử. Các tính năng của SMCS không khác nhiều so với các nhà cung cấp khác, tuy nhiên SMCS có nền tảng an ninh và bảo mật cho người dùng khá tốt. Đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất với các hệ thống và thiết bị kết nối IoT như hiện nay.

SMCS cũng không tập trung vào các hệ thống ổ cắm, công tắc, thiết bị ngoại vi như cách mà các hãng khác đang làm, thay vào đó SMCS hướng tới việc điều khiển từ gốc tới hệ thống phân phối và hệ thống thiết bị, phụ kiện nhằm giúp cho việc quản trị trở nên chắc chắn và an toàn hơn.

4. Ecozy Smart Home

Hệ thống nhà thông minh Ecozy kết nối nhau qua các thiết bị như công tắc cảm ứng, cảm biến, thiết bị xử lý trung tâm.

Về tính năng, Ecozy Smart Home cũng bao gồm các tính năng tương tự như các nhà cung cấp khác như kiểm soát hệ thống chiếu sáng, điều khiển hệ thống rèm điện tự động, hệ thống cửa ra vào, điều khiển các thiết bị ngoại vi như Tivi, điều hòa, tích hợp Camera an ninh quan sát qua mạng, hoạt động theo ngữ cảnh động, hẹn giờ. Tuy nhiên hệ thống này đã nhận dạng được giọng nói tiếng Việt, người dùng có thể điều khiển các thiết bị trên bằng tiếng Việt.