Amanotes là startup hoạt động từ năm 2015. Sản phẩm chính là tựa game Magic Tiles 3, đứng bảng xếp hạng chợ ứng dụng trực tuyến và đạt hơn 700 triệu lượt tải tính từ năm 2016. Trò chơi mô phỏng piano, guitar hay kèn, trống phát trên nền nhạc những bài hát nổi tiếng, khiến người dùng mê mẩn và phát cuồng.
App Annie đưa Amanotes vào top 20 nhà phát triển hàng đầu ở mọi lĩnh vực cùng các ông lớn Facebook và Bytedance, trong khi đó SensorTower đặt Amanotes vào top 20 nhà phát triển hàng đầu với số lượt tải ứng dụng cao nhất năm 2019.
Đồng sáng lập của Amanotes được xướng tên trong danh sách 30 Under 30 của Forbes Việt Nam năm 2020. Nhưng không giống những người khác hiện diện trong bảng vinh danh này cũng như những startup thành công về game khác, 2 nhà đồng sáng lập cùng đội ngũ của mình vẫn cứ thầm lặng dẫu gặt được thành tích cao.
Bài viết về đồng sáng lập của Amanotes trên Forbes Việt Nam.
Ít ai biết rằng, phía sau Amanotes và tựa game khiến người dùng quốc tế thích thú là đội ngũ những người Việt Nam làm việc tại văn phòng có trụ sở ở TP.HCM. Hãy cùng gặp gỡ Nguyễn Tuấn Cường và Võ Tuấn Bình, hai sáng lập viên của Amanotes.
Tư tưởng lớn gặp nhau
Năm 2012, Tuấn Cường và Tuấn Bình biết nhau tại một diễn đàn dành cho các doanh nhân làm việc trong lĩnh vực công nghệ. Lúc bấy giờ, Cường là sinh viên mới tốt nghiệp ở ĐH Ngoại Thương đang tìm kiếm việc làm, trong khi đó Bình đã có một startup về âm nhạc và phát triển nó từ năm 2009.
Co-founder Nguyễn Tấn Cường của Amanotes.
Tuấn Bình sau khi biết đến piano, guitar và sáo trúc của Việt Nam đã nảy ra ý tưởng sẽ làm một sản phẩm công nghệ liên quan đến những nhạc cụ này. Sản phẩm trước đó của anh là MusicKing, đã khá thành công nhưng anh muốn nhiều hơn nữa.
Khi gặp nhau và trao đổi, Cường và Bình bị cuốn vào những ý tưởng về việc mở một startup để tập trung vào trò chơi âm nhạc tương tác. Cả hai ngồi lại cùng nhau, nghiên cứu và khám phá ra các khái niệm mới để đưa vào sản phẩm của mình.
Võ Tuấn Bình hay Bill Vo, sáng lập viên của Amanotes.
Trong những ngày đầu, cả hai tự bỏ tiền túi để duy trì hoạt động cho dự án, họ cùng nhau nhận thiết kế website cho các công ty khác nhằm vừa kiếm thêm thu nhập vừa cải thiện kỹ năng.
Sự thành công kỳ diệu
Magic Tiles 3 được lấy cảm hứng từ Piano Tiles, một trò chơi được phát triển bởi Hu Wen Zeng người Trung Quốc vào năm 2014. Tựa game của Hu Zeng thành công tới nỗi có rất nhiều người sao chép lại ý tưởng và thay đổi giao diện theo nhiều chủ đề để tạo thành một trò chơi khác.
Nhóm phát triển Amanotes cũng nhận được nguồn cảm hứng từ Piano Tiles và nhìn ra một con đường phát triển, tạo ra một sản phẩm hoàn toàn khác. “Chúng tôi muốn người chơi - kể cả những người chưa có nền tảng kiến thức cơ bản về âm nhạc - vẫn có thể hoàn thiện một bài hát hoàn chỉnh. Nói cách khác, chúng tôi biến việc học nhạc trở nên sống động nhất có thể”, anh Cường chia sẻ.
Đồng sáng lập Amanotes cho biết ngay từ đầu công ty đã nhắm hướng phát triển đây sẽ là game đơn giản, chỉ cần một vài thao tác và cần một hoặc hai người chơi, cũng như đây sẽ là kiểu game chơi mãi mà không hết vì không cần chuyển sang các màn, ván, cảnh khác.
Đội ngũ Amanotes tại văn phòng ở TP.HCM.
Mặc dù đơn giản là thế, nhưng thứ tốn kém nhất có lẽ là tiền bản quyền cho những bài nhạc. Để một bài hát nổi tiếng xuất hiện trong game, công ty phải trả tiền khá nhiều cho bên sở hữu nội dung. Chưa hết, các đối thủ của công ty phải đau đầu với khoản tiền tiếp thị và quảng cáo vì đây không phải một con số nhỏ.
Đổ một số tiền lớn vào việc mua bản quyền bài hát khiến tình hình tài chính của công ty có biến động mạnh đến mức ngân sách gần như chạm đáy, tuy vậy đây là một quyết định đúng đắn đem lại thành công lâu dài cho công ty.
“Điểm mấu chốt của Magic Tiles 3 chính là những bài hát yêu thích của mọi người. Người dùng có thể chơi game theo hết bài hát thay vì là những giai điệu đơn giản hoặc những bài hát không bắt tai, dễ nhàm chán, như những game khác”, Tuấn Cường cho biết.
Và thế là chỉ trong vòng vài năm kể từ khi ra mắt vào năm 2016, tựa game này dần được ưa chuộng và được nhiều người biết đến dù không mất quá nhiều tiền cho việc quảng cáo.
“Ai cũng có thể chơi nhạc”
“Với phương châm ‘Ai cũng có thể chơi nhạc’, chúng tôi muốn giúp mọi người đi từ việc thích nghe nhạc sang thích chơi nhạc, mà cụ thể ở đây là tương tác với nhạc”, chàng co-founder 29 tuổi chia sẻ trong một bài phỏng vấn.
Team Amanotes tại Google Game Launcher 2018 được tổ chức ở Singapore.
Sau khi được bình chọn là gương mặt dưới 30 tuổi có những thành tích nổi bật của Forbes Việt Nam, Cường hoàn thành chương trình thạc sĩ tại Đại học Amsterdam rồi về nước trở thành giám đốc sản phẩm của công ty, chuyên giám sát việc phát triển sản phẩm và đưa ra chiến lược mới.
Amanotes không chia sẻ về tình hình tài chính của công ty nhưng Tuấn Cường cho biết thu nhập chủ yếu đến từ quảng cáo và mua vật phẩm trong game. Công ty cũng đang đàm phán với một số ca sĩ, nhạc sĩ độc lập để họ có thể góp mặt trong tựa game này.
Đối với nhân viên Amanotes, ngoài kỹ năng về lập trình và kinh doanh thì biết chơi nhạc cũng như chơi nhạc mỗi ngày là một điều tất yếu.
Startup hiện tại có 140 nhân viên đến từ 10 quốc gia, ngoài trụ sở tại TP.HCM thì công ty cũng mở thêm văn phòng tại Singapore cũng như lên kế hoạch Mỹ tiến trong thời gian sắp tới. Amanotes mới đây đã thuê Bryan Teo về làm giám đốc điều hành, anh từng giữ vai trò CEO của Chợ Tốt và 701Search.
Tuấn Cường cho biết kế hoạch phát triển của Amanotes không chỉ là xây dựng thêm nhiều ứng dụng khác, mà còn mong muốn phát triển một hệ sinh thái âm nhạc hoàn chỉnh để trở thành nơi cho các nghệ sĩ, ca sĩ, nhà sản xuất nhạc cũng như người chơi nhạc có thể tỏa sáng tại đây.
Amanotes sẽ phát triển ra thế giới và cân nhắc bước vào những vòng gọi vốn trong tương lai.
Một điều khá thú vị, Amanotes khác biệt hẳn so với những startup khác bởi nó chưa từng đi gọi vốn lần nào kể từ năm 2015 đến nay, bức tranh tài chính của công ty hoàn toàn do nó tự làm chủ. “Tuy vậy, chúng tôi đang cân nhắc sẽ tìm kiếm các nhà đầu tư bởi vì chúng tôi cần nhiều tiền hơn để phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai”, anh Cường cho biết.