Lãnh đạo chuyển đổi được định nghĩa là phong cách lãnh đạo tạo nên sự thay đổi trong các cá nhân và hệ thống xã hội, bao gồm tạo ra các giá trị tích cực cho nhân viên, với mục tiêu cuối cùng là giúp cấp dưới phát triển thành các lãnh đạo. Lý thuyết lãnh đạo chuyển đổi tuy không quá mới (lần đầu tiên được đề cập vào năm 1978 trong trong cuốn sách “Leadership” của tác giả James McGregor Burns), nhưng lại không dễ thực hiện vì đây là sự tổng hợp của nhiều lý thuyết lãnh đạo khác nhau.
Tại Châu Á, Nadiem Makarim, nhà sáng lập một trong những kỳ lân khởi nghiệp được trọng vọng nhất Đông Nam Á – Gojek, được xem là một đại diện tiêu biểu của phong cách lãnh đạo chuyển đổi. Với tầm nhìn xa về các xu hướng trong tương lai, Nadiem đã thành công nắm bắt cơ hội tạo nên cuộc cách mạng cho các bác tài “ojek” (tiếng Indonesia nghĩa là xe ôm), từ đó đưa ra giải pháp cho các vấn đề xã hội như kẹt xe, thất nghiệp, sự thiếu nhất quán về chi phí đi lại bằng xe ôm, khả năng tiếp cận hạn chế của các lao động nhỏ lẻ với người dùng…
Từ mối quan hệ ban đầu này, Nadiem đưa cả guồng quay hệ thống Gojek vào mục tiêu tạo ra sự thay đổi liên tục, không ngừng cải thiện các vấn đề của cuộc sống bằng cách hợp nhất các mảng khác nhau của hệ sinh thái. Doanh nhân tài năng này đặt niềm tin vào những nhân viên mà ông cùng làm việc, cho dù đó là các nhân viên ở vị trí bình thường, hay các đối tác tài xế - những người thường ít được lắng nghe trong xã hội. Điều này mang lại cho họ cảm giác thân thuộc, và niềm hãnh diện khi được là một phần của Gojek, từ đó hướng tới các giá trị đột phá mới cho Gojek.
“Yếu tố nhảy vọt trong mỗi lãnh đạo mà tôi cố vấn, dẫn dắt nằm ở khoảnh khắc họ nhận ra họ thực chất có thể làm được những chuyện tưởng chừng như không thể, mà để làm được như vậy, đôi khi bạn phải đẩy được trí tưởng tượng của họ đi xa trước đã, có hình dung ra được viễn cảnh, có được tầm nhìn, chấp nhận thách thức thì mới có thể đẩy tiếp sự nỗ lực và bền bỉ của bản thân để đạt được điều đó. Và khi họ đã thành công, họ sẽ xây dựng đội nhóm của mình cùng đi theo tầm nhìn đó của mình”. Do đó, phần lớn các đột phá trong kinh doanh của Gojek đến nay được cho là đến từ môi trường văn hóa doanh nghiệp khuyến khích phong cách lãnh đạo chuyển đổi mà Nadiem khởi xướng.
Gojek Việt Nam cũng đang có cách tiếp cận tương tự. Khi lãnh đạo 8x Phùng Tuấn Đức tiếp quản vị trí Tổng giám đốc vào năm ngoái, anh cùng ê-kíp tiếp tục thúc đẩy các yếu tố then chốt của tinh thần lãnh đạo chuyển đổi tại Gojek, tạo nên các thay đổi tích cực, các giá trị cộng đồng tại thị trường Việt Nam.
Động lực truyền cảm hứng
Bản thân siêu ứng dụng Gojek mang trong mình sứ mệnh giúp gỡ bỏ những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống hàng ngày của người dùng thông qua việc cung cấp các giải pháp thông minh, sáng tạo. Theo đó, động lực của doanh nghiệp này không chỉ nằm ở kết quả kinh doanh, mà các tác động tích cực đến với cộng đồng mới chính là động lực truyền cảm hứng.
Ông Phùng Tuấn Đức, Tổng Giám đốc Gojek Việt Nam từng chia sẻ, “Cá nhân tôi và tập thể nhân viên cảm nhận được công việc mình làm giúp đỡ và thay đổi được cuộc sống cho hàng triệu người khác ngoài xã hội. Trước đây khi các ứng dụng gọi xe chưa phát triển, thu nhập của các bác xe ôm rơi vào tầm 4-5 triệu/tháng. Họ kiếm khách bằng cách ngồi ở các ngã tư hoặc đi quanh trên đường xem là có ai muốn đi xe ôm không. Nhờ ứng dụng gọi xe ôm công nghệ với lượng người dùng rất lớn, họ có thể kiếm được 8-10 triệu/tháng, tăng trưởng gấp đôi thu nhập giúp cuộc sống họ dễ thở hơn.”
Kích thích đổi mới sáng tạo
Gojek được đánh giá cao ở khả năng “dỡ bỏ, làm lại” khi chấp nhận tái cấu trúc một cách quy mô từ cơ cấu, quy trình, văn hóa, đến nhân lực, để đưa hướng tiếp cận “Dữ liệu hoặc không gì cả” vào từng huyết quản doanh nghiệp. Theo đó, “quy trình sáng tạo ngược” tỏ ra hiệu quả trong việc trao quyền cho các nhóm phản ứng nhanh (SWAT) được hình thành từ các bộ phận khác nhau cùng “hội chẩn” và giải quyết rốt ráo các vấn đề kinh doanh theo phương thức agile (lặp và tăng trưởng), hướng tới các kết quả kinh doanh thực thụ, và những sự thay đổi mà Gojek chủ động tìm kiếm.
Chiến lược thu hút nhân tài của Gojek cũng là yếu tố then chốt để kích thích đổi mới sáng tạo. Các cấp lãnh đạo tại Gojek Việt Nam xây dựng đội ngũ gồm những người còn giỏi hơn mình và người quản lý cấp dưới lại tiếp tục tìm kiếm những cá nhân giỏi hơn họ. Từ sự cân bằng giữa các nhân viên nhiều kinh nghiệm, các tài năng trẻ, những cá nhân đã lăn lộn với nhiều loại hình doanh nghiệp, thậm chí là tự khởi nghiệp, tập thể Gojek có được nhiều góc nhìn rộng hơn từ những khác biệt, từ đó tôi dễ tìm được cách giải quyết vấn đề theo hướng sáng tạo.
Xây dựng mối quan hệ bền vững dựa trên niềm tin
Trong những thời điểm khó khăn như đợt dịch Covid-19 vừa qua, Gojek đã chủ động đồng hành cùng với đối tác tài xế bằng nhiều chương trình thiết thực, đồng thời nỗ lực đưa vào hệ sinh thái của mình những quán ăn nhỏ và siêu nhỏ - những người bị áp lực tài chính rất lớn bởi không có nhiều cơ hội tiếp cận với khách hàng vì không thành thạo về marketing, về công nghệ, thậm chí có những người còn không biết sử dụng smartphone. Cùng nhau lèo lái qua giông bão giúp củng cố niềm tin của Gojek với các đối tác, và từ đó nâng cao sự tin cậy với người dùng.
Song song đó, mối quan hệ bên trong tập thể của Gojek cũng được xây dựng trên niềm tin. Các nhân viên Gojek đều có điểm chung về đam mê, khả năng tự học, và sự bền bỉ, nên họ gắn kết với nhau rất tốt và tinh thần đồng đội rất cao. Trong khi đó, các lãnh đạo luôn là người giữ nhịp tốt nhất để hướng mọi người nhìn xa hơn lợi ích cá nhân của họ, hướng tới các giá trị chia sẻ, tạo nên sự thôi thúc đầy cảm hứng giúp tập thể Gojek ngày càng tiến gần đến việc hiện thực hóa sứ mệnh mà họ tin tưởng.