Đó vẫn là một tối thứ 6 như mọi ngày. Tôi đi làm về, chơi vài ván PUBG rồi lên giường lướt Reddit chờ đợi một giấc ngủ ngon cho 2 ngày cuối tuần tuyệt vời sắp tới.
Nhưng một bài post hiện lên đã làm hỏng ngày thứ sáu của tôi:
"Nhiều người dùng Surface Pro 4 đã phải chấp nhận một thiết bị hoàn toàn vô dụng kể từ bản cập nhật tháng 7 tới nay, không có một lời nào về việc khi nào sẽ được sửa. Không cảm ứng, không bút, pin 3 giờ ngay cả khi đã được tắt hoàn toàn".
Đường link này dẫn tôi sang một lời than phiền trên diễn đàn của chính Microsoft. Lời than phiền được gửi đi từ 28/7, tức là sau khi bản cập nhật tai hại kia được tung ra. Một nhân viên của Microsoft trả lời ở dưới, và đến nay, theo đúng như những gì Reddit ghi nhận, Microsoft vẫn chưa có phản hồi nào cả.
Bài viết nọ gợi nhắc tôi về câu chuyện kém may mắn của mình. Tôi không có được may mắn bị hỏng máy sau bản cập nhật nọ. Vì máy của tôi hỏng từ tận tháng 5. "Flickergate" là những gì cộng đồng mạng nói về lỗi của tôi: màn hình nhấp nháy và máy trở nên vô dụng.
Tệ hại hơn cả, theo thông tin trên mạng, Microsoft có mở chương trình đổi trả máy cho người dùng Surface Pro 4 bị lỗi này. Tôi gửi chiếc máy sang nhờ một người bạn mang đổi, và ra đến cửa hàng, bạn tôi được trả lời: không áp dụng, sửa máy hết 450 USD. Thời hạn cho đổi trả trên website ghi rõ ràng là 3 năm kể từ ngày mua, nhưng khi ra cửa hàng, họ lại nói với tôi thời hạn chỉ là 2 năm và trên web "ghi nhầm".
Một chiếc Surface Pro 4 cũ ở Việt Nam giờ có giá chỉ còn 12 triệu đồng. Chắc hẳn bạn cũng đoán được quyết định của tôi. Xin vĩnh biệt, Surface.
Thật đáng tiền...
Microsoft vén màn Surface từ năm 2012, và kể từ thế hệ Surface Pro 3 đến nay, văn phòng của tôi đã có khoảng gần 10 người đặt niềm tin vào Microsoft. Tôi bị lỗi nặng nhất, còn một người bạn khác từng bị lỗi sập nguồn trên Surface Book. Có tới 3 người gặp lỗi bàn phím, và kỳ cục thay, cách sửa lỗi này là... đem bẻ cong bàn phím.
Surface Pro 4 của tôi cũng có một cách sửa tương tự: cho máy vào tủ lạnh. Tôi đã thử, chỉ để đổi lấy thất vọng.
Tất cả những gì tôi có chỉ còn là ổ SSD và một đống rác điện tử. Đến cả thanh RAM và chip cũng bị "hàn chết" vào bo mạch, không thể tháo rời được.
Bạn có lẽ sẽ nói tôi quá tiêu cực khi tôi khuyên bạn, hãy tránh xa Surface. Nhưng trong trường hợp của tôi, một dòng sản phẩm đắt tiền và một nửa số người sử dụng gặp lỗi – dù chỉ trong một tập thể 10 người – vẫn là quá cao. Không ai trong chúng tôi sẽ mua Surface nữa cả.
Khách hàng thậm chí còn phải mở cả trang web để công kích Microsoft, đủ để biết Surface tệ hại đến mức nào.
Và nếu bạn cảm thấy chúng tôi không đáng tin, hãy tin vào Google, tin vào các trang báo mạng, tin vào chính diễn đàn của Microsoft. Hiện tượng Surface gặp lỗi là quá phổ biến! Một phép tìm kiếm đơn giản với từ khóa "Surface problem" sẽ cho bạn một biển thông tin suốt từ 2013 tới nay. Bạn có biết thậm chí còn có hẳn một trang web "vinh danh" những nạn nhân của Surface Pro 4 không? Đây, nó đây: https://flickergate.com/.
Phải thừa nhận, nếu tách bạch chuyện độ bền và cái "chất" ra thì sử dụng Surface Pro vẫn là một trải nghiệm hết sức thú vị. Tôi dám khẳng định nó là chiếc laptop tốt nhất tôi từng sử dụng, xét về mặt trải nghiệm. Nhưng bỏ cả nghìn USD chỉ để dùng trong 2 năm, và cộng với chế độ bảo hành, hậu mãi như của Microsoft, với tôi là điều không thể chấp nhận được.
Trên thực tế, ngoài chiếc Surface Go mới ra mắt, không có một chiếc Surface nào giá khởi điểm dưới nghìn đô cả. Bỏ ra những khoản tiền có thể mua được LG Gram, Dell XPS, HP Spectre hay MacBook để đổi lấy một biển "lỗi" và một trải nghiệm sử dụng mang tính chất đánh cược: không ai biết khi nào thì Surface của họ sẽ gặp lỗi "giời ơi đất hỡi" nào cả... Một trải nghiệm thật đắng miệng, và một lần nữa, tôi xin được chân thành khuyên bạn: mua Surface có nghĩa là bạn đang mạo hiểm với quyết định của mình. Không phải bỗng dưng mà Consumer Reports đánh giá Surface Pro 4 tệ đến như vậy đâu.