Tại sao Mobi, Vina, Viettel dùng chung hạ tầng mạng 5G?

Việc này sẽ góp phần sớm đưa mạng 5G triển khai thương mại trên phạm vi toàn quốc, đồng thời đảm bảo mỹ quan đô thị và tăng hiệu quả đầu tư hạ tầng của các nhà mạng MobiFone, VinaPhone và Viettel.

Theo thông tin từ Cục Viễn thông, các nhà mạng Viettel, VNPT và MobiFone đã ký kết trực tuyến thỏa thuận triển khai thử nghiệm dùng chung mạng 5G. Việc ký kết này nhằm góp phần sớm đưa mạng 5G triển khai thương mại trên phạm vi toàn quốc, đồng thời đảm bảo mỹ quan đô thị, xã hội nói chung và tăng cường hiệu quả đầu tư hạ tầng của chính các doanh nghiệp.

Tính đến hết tháng 5/2021, các nhà mạng đã triển khai thử nghiệm thương mại và dịch vụ 5G tại 6 tỉnh, thành là Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Phước và Thừa Thiên - Huế, tốc độ trung bình hiện đạt từ 500 - 600Mbps - nhanh hơn gấp 10 lần so với tốc độ truy cập của mạng 4G.

Với đặc điểm sử dụng băng tần có bước sóng milimet, vùng phủ sóng của các trạm BTS 5G đạt vài trăm mét so với bán kính vùng phủ từ 2 - 3km của các trạm 2G/3G/4G như trước đây. Do đó, đòi hỏi cần triển khai, lắp đặt số lượng trạm BTS 5G nhiều.

Ngoài các trạm 5G Massive MIMO loại lớn (lắp trên cột ăng-ten ngoài trời) thì mạng 5G dùng rất nhiều các loại trạm small cell có kích thước vật lý nhỏ (thường lắp trên thân cột đèn, trên tường nhà, hành lang,…). Vì vậy, việc triển khai dùng chung hạ tầng, vị trí lắp trạm 5G là rất cần thiết đồng thời cũng đặt ra những bài toán mới cả về kỹ thuật công nghệ và cơ chế phối hợp sử dụng chung.

Tại sao Mobi, Vina, Viettel dùng chung hạ tầng mạng 5G? - 3

Những trạm thu, phát sóng mạng di động 5G sẽ được các nhà mạng chia sẻ cùng nhau.

Trên cơ sở đó, qua quá trình nghiên cứu, thỏa thuận, 3 doanh nghiệp gồm Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT và Tổng Công ty Viễn thông MobiFone đã thống nhất và tổ chức buổi ký kết thỏa thuận triển khai thử nghiệm dùng chung mạng 5G qua hình thức trực tuyến. Nội dung thỏa thuận tập trung vào hai giải pháp quan trọng là thử nghiệm chuyển vùng di động roaming và thử nghiệm chia sẻ mạng truy nhập vô tuyến đa mạng (MORAN).

Nếu như các thỏa thuận chia sẻ, sử dụng hạ tầng viễn thông từ trước đến nay giữa các doanh nghiệp tập trung vào hạ tầng thụ động (nhà trạm, cột ăng-ten, truyền dẫn…) thì đây là lần đầu tiên tại Việt Nam triển khai thử nghiệm việc chia sẻ hạ tầng viễn thông ở lớp cao hơn như hạ tầng tích cực, thiết bị mạng truy nhập vô tuyến 5G… Việc triển khai thử nghiệm này sẽ góp phần đánh giá tổng thể các nội dung cần thiết cả về kỹ thuật và cơ chế phối hợp liên mạng để triển khai mạng 5G.

Thỏa thuận này chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy việc triển khai mạng 5G trên phạm vi toàn quốc, xét trên bình diện khu vực và quốc tế. Đây là một trong các thỏa thuận đầu tiên về thử nghiệm dùng chung hạ tầng mạng 5G, từ đó khẳng định quyết tâm của Bộ TT&TT trong việc đưa Việt Nam đồng hành với các nước đi đầu về 5G.

Đại diện Cục Viễn thông đánh giá cao sự hợp tác của các doanh nghiệp viễn thông và đề nghị các doanh nghiệp thực hiện tích cực, hiệu quả, trên cơ sở hợp tác, xây dựng để đạt được kết quả thử nghiệm tốt nhất, tạo tiền đề thuận lợi cho quá trình khai thác thương mại sau này.

Trước đó, phát biểu tại Kỳ họp thứ 10 - Quốc hội Khóa XIV năm 2020, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh: Việt Nam triển khai 5G với tinh thần dùng chung cơ sở hạ tầng. Bộ trưởng cũng chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp cùng xây dựng quy định về dùng chung cơ sở hạ tầng 5G, kể cả dùng chung thiết bị.

Đến ngày 10/6/2020, Viettel, VNPT, MobiFone và Gtel đã ký kết thỏa thuận dùng chung cơ sở hạ tầng các trạm thu phát sóng (BTS). Theo thỏa thuận này, các nhà mạng sẽ dùng chung khoảng 1.200 trạm BTS.