Taxi công nghệ đã được định danh?

Tranh cãi suốt 4 năm qua giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống liệu có kết thúc khi Nghị định 10 về điều kiện kinh doanh vận tải phân định rõ khái niệm đơn vị kinh doanh vận tải và đơn vị cung cấp phần mềm? Nghị định mới cũng yêu cầu doanh nghiệp gọi

Ngày 1/4/2020, Nghị định 10 của Chính phủ quy định điều kiện về kinh doanh vận tải sẽ chính thức có hiệu lực. Cùng thời điểm này, kế hoạch thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng cũng sẽ dừng tại 5 địa phương.

Dừng triển khai thí điểm xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ (taxi công nghệ - PV) không có nghĩa là các ứng dụng gọi xe như Grab, FastGo,... sẽ ngừng hoạt động. Trên thực tế, các ứng dụng gọi xe này vẫn tiếp tục hoạt động nhưng chịu sự quản lý theo các quy định mới của Nghị định 10.

Định danh "taxi công nghệ"

Taxi công nghệ đã được định danh? - 1

Theo đánh giá, Nghị định 10 ra đời và có hiệu lực sẽ kết thúc được "tranh cãi nảy lửa" giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống trong suốt hơn 4 năm qua khi đã phân định rõ các loại hình kinh doanh.

Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết: "Quan trọng nhất ở Nghị định số 10 là đã phân định rõ được chủ thể, đưa ra định nghĩa thế nào là đơn vị kinh doanh vận tải, thế nào là đơn vị cung cấp nền tảng. Nếu doanh nghiệp tham gia thực hiện 1 trong các công đoạn vận tải thì sẽ là đơn vị kinh doanh vân tải".

Cụ thể, Điều 35 của Nghị định nêu rõ: Đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải sẽ chỉ cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải (không trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe; không quyết định giá cước vận tải). Trường hợp đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải có thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải như trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi phải thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của một doanh nghiệp kinh doanh vận tải.

Các doanh nghiệp cung cấp phần mềm phải chấp hành theo pháp luật về giao dịch điện tử, các pháp luật khác có liên quan đồng thời đảm bảo ghi nhận yêu cầu vận chuyển của khách hàng và chuyển yêu cầu vận chuyển đến đơn vị kinh doanh vận tải đang tham gia trong phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải; Thực hiện vai trò là đơn vị trung gian để xác nhận thực hiện đúng các nội dung đã thỏa thuận giữa đơn vị kinh doanh vận tải với khách hàng, trong đó đảm bảo thực hiện đúng giá cước vận tải đã niêm yết hoặc giá trị hợp đồng đã ký kết.

"Nếu anh kinh doanh vận tải thì phải chịu các điều kiện quản lý của ngành nghề này", ông Nguyễn Công Hùng cho biết.

Bình luận về những quy định mới trong Nghị định 10, đại diện ứng dụng gọi xe FastGo cũng cho rằng: Nghị định 10 quy định rõ ràng và chi tiết hơn về loại hình kinh doanh taxi, kinh doanh xe hợp đồng và đơn vị chỉ cung cấp ứng dụng kết nối vận tải, điều này sẽ tác động lớn đối với các doanh nghiệp sử dụng công nghệ.

Thị trường vận tải sẽ ổn định

Dừng thí điểm xe hợp đồng dưới 9 chỗ để quản lý theo Nghị định 10 từ tháng 4 tới sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến người dùng, đồng thời, thị trường vận tải Việt Nam sẽ đi vào ổn định.

Đại diện cả hai ứng dụng gọi xe công nghệ FastGo và Grab cũng khẳng định mọi hoạt động sẽ vẫn diễn ra bình thường khi Bộ GTVT quyết dịnh dừng thí điểm taxi hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ để quản lý theo Nghị định mới.

Đại diện FastGo cho biết: Nghị định 10 tạo bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp có thể tham gia hoạt động cung cấp ứng dụng công nghệ mà không cần xin các giấy phép thí điểm, vốn chỉ áp dụng tại 1 số tỉnh/thành phố nhất định. Đồng thời, cũng cởi mở cho các doanh nghiệp taxi truyền thống triển khai ứng dụng công nghệ để cạnh tranh bình đẳng hơn với doanh nghiệp về công nghệ.

Tuy nhiên, vị này cho hay: “Các doanh nghiệp sẽ phải lựa chọn mô hình, từ đó thay đổi quy trình hợp tác, quy trình cung cấp dịch vụ, thay đổi ứng dụng để tuân thủ các quy định mới”.

Trong khi đó, thông tin đến báo chí, đại diện truyền thông của Grab cũng cho biết: Thay vì hoạt động trong khuôn khổ một Đề án thí điểm, từ ngày 1/4/2020, Grab và các mô hình như Grab có thể chính thức hoạt động trên phạm vi toàn quốc theo luật định. Dù vậy, đại diện ứng dụng gọi xe lớn nhất Việt Nam cũng cho biết: "Trên tinh thần của Quyết định 146 và Nghị định 10, chúng tôi đã, đang và sẽ tích cực làm việc với các cơ quan chức năng để tìm hiểu kỹ hơn về các quy định của pháp luật dành cho mô hình hoạt động của mình".

Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết: Thị trường vận tải sẽ ổn định hơn trong thời gian tới khi mốc giới giữa các chủ thể đã được phân định. Dù vậy, điều này cũng phụ thuộc vào sự quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Nói rõ hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Công Hùng cho biết: Thời hạn thực hiện việc dán niêm yết phù hiệu đối với xe hợp đồng dưới 9 chỗ đến 1/7/2021 mới bắt buộc là quá dài. Hiện nay có thực trạng hàng chục nghìn xe ô tô tư nhân không đăng ký kinh doanh vận tải nhưng vẫn tham gia chở khách trên các hội nhóm, mạng xã hội,..điều này có thể khiến thị trường vận tải hỗn loạn.