Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2023 ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước. Con số này tăng lên hàng quý (quý I tăng 3,28%; quý II tăng 4,05%) đã thể hiện xu hướng tích cực của nền kinh tế và niềm tin của người tiêu dùng phần nào đã trở lại.
Còn theo báo cáo thị trường FMCG Việt Nam của Kantar phát hành quý II vừa qua, hơn 1/4 các hộ gia đình vẫn đang đối mặt với khó khăn về tài chính. Từ quý IV/2019 đến quý II/2023, số lượng gia đình phải cắt giảm chi tiêu đã tăng đáng kể từ 19% lên 28%.
Dữ liệu thống kê của Payoo thì cho thấy, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và cửa hàng chuyên doanh đang có tốc độ tăng trưởng khá. Giao dịch tại quầy của nhóm này tăng trưởng 14% về số lượng và 20% về giá trị so với quý trước, và tăng gần 40% về cả số lượng và giá trị kể từ đầu năm nay. Trong khi đó, các giao dịch trực tuyến giảm 12% về số lượng và 11% về giá trị so với quý trước.
Quý III cũng là mùa tăng trưởng doanh thu hàng năm của nhóm ICT, khi nhu cầu mua điện thoại, máy tính xách tay và máy tính bảng gia tăng dịp tựu trường. Bên cạnh đó, các chiến dịch cạnh tranh về giá tác động trực tiếp đến túi tiền người tiêu dùng được các nhà bán ICT đồng loạt triển khai như: “Giá rẻ quá”, “Ở đâu giá rẻ, ở đây rẻ hơn”, “Rẻ hơn các loại rẻ”,...
Đối với các giao dịch trực tuyến được thực hiện trên website và ứng dụng di động, nhóm ngành ICT tăng 42% về số lượng, 19% về giá trị so với quý trước. Trong đó, giao dịch những ngày cuối tháng 9 tăng đột biến nhờ đợt mở bán iPhone 15 series. Cùng với đó, Apple Pay ra mắt tại Việt Nam vào tháng 8 khiến thanh toán không tiếp xúc được lan toả mạnh mẽ trong cộng đồng yêu công nghệ.
Trước đó, iPhone 15 series được bán ra tại Việt Nam từ ngày 29/9. Theo một nguồn tin đáng tin cậy, chỉ sau 1 tuần mở bán, tổng lượng iPhone 15 series được bán ra tại Việt Nam là khoảng 60.000 máy.
Cũng theo báo cáo, thanh toán không tiếp xúc đang trở thành hình thức được ưa thích hơn cả đặc biệt với giới trẻ, bởi trải nghiệm thanh toán nhanh chóng, an toàn và chủ động. Cùng với sự phát triển và phổ biến của thanh toán không tiếp xúc là sự chủ động của người dùng: Tự chạm điện thoại, đồng hồ hay thẻ vào thiết bị thanh toán mà không cần thông qua thu ngân.
Trong đó, QR code tiếp tục là xu hướng thanh toán phổ biến nhất, và tỷ trọng thanh toán QR code ngày càng tăng. Theo Napas, quý III vừa qua, thanh toán QR qua VietQR đã tăng trưởng gấp đôi về số lượng và đạt hơn 100 triệu lượt giao dịch/tháng. Trên hệ thống Payoo, thanh toán QR code trên nền tảng trực tuyến trong quý III đang tăng 6% số lượng và 30% giá trị so với quý trước.
Tỷ trọng giá trị thanh toán QR code so với hình thức thanh toán khác là khoảng 20% với giao dịch tại quầy, và gần 40% với giao dịch trực tuyến. Nếu như QR code trước đây chỉ phổ biến trong các giao dịch mua sắm, ăn uống tự doanh của cửa hàng thì nay cũng đã phổ biến trong lĩnh vực thanh toán hoá đơn. Hiện tại, các dịch vụ hoá đơn cũng đang triển khai hình thức thanh toán QR code.