Trong bối cảnh mô hình làm việc kết hợp cho phép nhân viên hoạt động từ mọi nơi và đảm bảo hoạt động kinh doanh liên tục của doanh nghiệp, việc nhân sự sử dụng thiết bị chưa đăng ký để truy cập nền tảng công việc đang đặt ra thêm những thách thức bảo mật mới cho các tổ chức tại Việt Nam, theo một nghiên cứu mới của Cisco.
Cụ thể, tới 96% người được hỏi tại Việt Nam cho biết đang sử dụng các thiết bị chưa đăng ký để đăng nhập vào nền tảng phục vụ công việc. Khoảng 72% nói rằng nhân viên của họ dành hơn 10% thời gian trong ngày để làm việc từ các thiết bị chưa đăng ký này. Rủi ro liên quan đến sử dụng thiết bị chưa đăng ký được nhiều nhà lãnh đạo bảo mật nhận ra với 93% cho biết việc này làm tăng khả năng xảy ra sự cố an ninh mạng.
Kịch bản trên còn trở nên phức tạp hơn khi nhân viên truy cập từ nhiều mạng khác nhau, bao gồm mạng tại nhà, quán cà phê và thậm chí cả siêu thị. Khoảng 91% người trả lời cho biết sử dụng ít nhất hai mạng để đăng nhập vào công việc và 28% cho biết nhân viên sử dụng nhiều hơn năm mạng.
Báo cáo với tiêu đề "Vị trí của tôi, Thiết bị của tôi (My Location, My Device): Thách thức an ninh mạng mới đối với mô hình làm việc kết hợp" khảo sát 6.700 chuyên gia bảo mật từ 27 quốc gia, trong đó 150 người đến từ Việt Nam. Báo cáo nêu bật mối quan tâm của chuyên gia bảo mật xoay quanh việc sử dụng thiết bị chưa đăng ký và mạng không bảo mật để làm việc và những rủi ro liên quan đến hành vi đó.
"Khi phương thức làm việc kết hợp dần trở thành tiêu chuẩn, các công ty đang trao quyền cho người lao động làm việc từ bất cứ nơi đâu. Điều này mang lại nhiều lợi ích, song cũng mở ra những thách thức mới, đặc biệt là trên mặt trận an ninh mạng, vì giờ đây tin tặc có thể nhắm mục tiêu vào nhân viên, vượt khỏi phạm vi mạng doanh nghiệp truyền thống. Để mô hình mới thực sự thành công trong dài hạn, các tổ chức cần bảo vệ họ bằng khả năng phục hồi bảo mật.
Điều này bao gồm thiết lập khả năng hiển thị mạng, người dùng, thiết bị đầu cuối và ứng dụng của họ nhằm thu thập hành vi truy cập, tận dụng thông tin để phát hiện mối đe dọa và khai thác tình báo về mối đe dọa để phản ứng tại chỗ hoặc trên đám mây", ông Juan Huat Koo, Giám đốc An ninh mạng Cisco khu vực ASEAN cho biết.
Việc sử dụng các thiết bị chưa đăng ký cũng đặt ra thêm thách thức mới cho các chuyên gia bảo mật khi họ vẫn phải giải quyết vấn đề phức tạp của mối đe dọa hiện tại. Hơn 7 trong số 10 người được hỏi tại Việt Nam cho biết đã gặp sự cố an ninh mạng trong 12 tháng qua. Ba loại hình tấn công mà họ gặp phải nhiều nhất là phần mềm độc hại, rò rỉ dữ liệu và lừa đảo.Trong số những đơn vị gặp sự cố, 73% cho biết đã thiệt hại ít nhất 100.000 USD và 34% xác nhận tổn thất ít nhất 500.000 USD.
Báo cáo cũng tiết lộ 92% nhà lãnh đạo an ninh tại Việt Nam cho rằng sự cố an ninh mạng có khả năng làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của họ trong 12 - 24 tháng tới. Mặt tích cực là họ đang chuẩn bị để tự bảo vệ khỏi các mối đe dọa bên trong và bên ngoài. Với những thách thức đã được nhận diện rõ ràng, 93% lãnh đạo an ninh tại Việt Nam kỳ vọng tổ chức của họ sẽ tăng ngân sách an ninh mạng hơn 10% trong năm tới và hầu hết (99%) mong nâng cấp cơ sở hạ tầng CNTT trong 12 - 24 tháng tới.
Bà Lương Thị Lệ Thủy, Tổng Giám đốc Cisco Việt Nam chia sẻ: “Khi kết nối giữa con người, thiết bị và dữ liệu tăng theo cấp số nhân trong thế giới làm việc kết hợp, điều quan trọng đối với các doanh nghiệp là chuyển từ bảo mật độc lập sang phục hồi bảo mật, xem xét khả năng phát hiện, phản hồi và khôi phục trên nền tảng tích hợp duy nhất. Có thể ví an ninh bảo mật như một môn thể thao đồng đội.
Các doanh nghiệp cần đào tạo lực lượng lao động về các phương pháp bảo mật tốt nhất, sau đó sử dụng công nghệ như tai mắt của mạng để giám sát, thực hiện hành động phù hợp ở những nơi quan trọng nhất và tự động hóa phản ứng đó để có thể trỗi dậy mạnh mẽ hơn trước các mối đe dọa”.