Các nhà nghiên cứu của Kaspersky vừa đưa ra dự đoán rằng, các hacker APT (tấn công có chủ đích) sẽ khai thác nhiều lỗ hổng mới để thâm nhập thiết bị di động và thiết bị thông minh nói chung, đồng thời sử dụng hoặc thông qua chúng để hình thành mạng lưới botnet, tấn công chuỗi cung ứng. Đặc biệt, chúng có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để cuộc tấn công lừa đảo có hiệu quả hơn.
Các công cụ AI mới nổi dễ dàng soạn thảo những tin nhắn lừa đảo trực tuyến, thậm chí cho phép bắt chước các cá nhân cụ thể. Những kẻ tấn công có thể nghĩ ra các phương pháp tự động hóa sáng tạo bằng cách thu thập dữ liệu trực tuyến (chẳng hạn từ mạng xã hội) và cung cấp dữ liệu đó cho mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) để tạo ra nội dung tin nhắn giống như người quen của nạn nhân.
Chúng ta có thể sẽ chứng kiến các tác nhân đe dọa mở rộng nỗ lực giám sát, nhắm mục tiêu vào các thiết bị tiêu dùng khác nhau thông qua những lỗ hổng bảo mật và phương pháp phân phối khai thác lỗ hổng “im lặng”, bao gồm các cuộc tấn công không cần nhấp chuột (zero-click attack) thông qua trình nhắn tin, tấn công bằng một cú nhấp chuột (one-click attack) qua SMS hoặc ứng dụng nhắn tin cũng như chặn lưu lượng truy cập mạng. Vì vậy, việc bảo vệ các thiết bị cá nhân và doanh nghiệp ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Ngoài ra, người dùng còn nên cảnh giác với việc khai thác các lỗ hổng trong phần mềm và thiết bị thường được sử dụng. Tuy nhiên, việc phát hiện ra lỗ hổng có mức độ nghiêm trọng cao thường bị hạn chế nghiên cứu và trì hoãn sửa chữa, điều này sẽ mở đường cho các mạng lưới botnet mới có quy mô lớn và có khả năng lén lút tấn công có chủ đích.
Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang, số lượng các cuộc tấn công mạng do nhà nước bảo trợ cũng có khả năng tăng mạnh trong năm tới. Những cuộc tấn công này có thể đe dọa đến việc đánh cắp hoặc mã hóa dữ liệu, phá hủy cơ sở hạ tầng CNTT, hoạt động gián điệp lâu dài và phá hoại không gian mạng.
Một xu hướng đáng chú ý khác là chủ nghĩa "hacktivism", vốn đã trở nên phổ biến hơn trong bối cảnh xung đột địa chính trị. Căng thẳng địa chính trị cho thấy khả năng gia tăng hoạt động hacktivist, vừa mang tính phá hoại, vừa nhằm mục đích truyền bá thông tin sai lệch, dẫn đến các cuộc điều tra không cần thiết và kéo theo là sự cảnh báo liên tục của các nhà phân tích Trung tâm Điều hành An ninh mạng (SOC) và nhà nghiên cứu an ninh mạng.